Tiếng Việt | English

20/06/2015 - 09:31

Nguy cơ chạy đua vũ trang giữa Nga và phương Tây

Theo Deutsche Welle, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak vừa đưa ra tuyên bố cho rằng thời kỳ hòa bình hậu Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt do Liên minh châu Âu (EU) đang phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có xung đột ở Ukraine và chủ nghĩa khủng bố. Tuyên bố này được cho là nhằm vào Nga trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây đang xấu đi nghiêm trọng vì khủng hoảng Ukraine.

 Tăng cường tập trận
 Lời phát biểu trên được đưa ra tại thị trấn Zagan ở miền Tây Ba Lan - nơi diễn ra cuộc tập trận quy mô đầy đủ đầu tiên của lực lượng phản ứng nhanh mới thành lập của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mang tên VJTF. Theo ông Siemoniak, châu Âu cần nỗ lực hơn nữa để tự bảo vệ mình. VJTF được thành lập nhằm mục đích phòng thủ khu vực phía Đông của khối đồng minh nhằm chống lại Nga.

Hình ảnh cuộc tập trận của NATO tại Ba Lan

Cuộc tập trận đang diễn ra là một phần của chiến dịch diễn tập lớn hơn có tên Allied Shield, huy động 15.000 binh sĩ từ 19 quốc gia đồng minh và 3 nước đối tác khác. Khoảng 50 tàu chiến và 5.600 quân từ 17 nước cũng đang thực hiện cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu có tên BALTOPS ở biển Baltic, sẽ kéo dài đến ngày 20-6-2015. Kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhập với Nga và nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các lực lượng NATO đã xuất hiện ngày càng nhiều dọc lãnh thổ Nga như ở các quốc gia vùng Baltic và Đông Âu.

Tuyên bố của Bộ trưởng Siemoniak cũng được cho là nhằm cảnh cáo Nga sau khi nước này tuyên bố bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo vào kho vũ khí hạt nhân cùng nhiều khí tài hiện đại để tăng cường tiềm lực quốc phòng. Theo các nhà phân tích, động thái của điện Kremlin là để đáp trả kế hoạch xây dựng kho thiết bị quân sự hạng nặng tại Đông Âu do Washington đề ra. Lầu Năm Góc dự kiến đưa các vũ khí hạng nặng đến một số nước vùng Baltic và Đông Âu, nhằm ngăn chặn bất kỳ động thái nào từ phía Nga. Các thiết bị được cân nhắc triển khai đến Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và có thể Hungaria, bao gồm xe tăng chiến đấu, các thiết bị hạng nặng và khoảng 5.000 quân. Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết, Washington và Warsaw đang thương lượng về việc triển khai lâu dài xe tăng chiến đấu và các vũ khí hạng nặng khác của Mỹ tại Ba Lan và các nước khác trong khu vực.

Không đi ngược với trách nhiệm quốc tế

Cũng ngay sau tuyên bố tăng cường vũ khí của Nga, giới chức NATO đã có những phản ứng trái ngược. Trong khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố khối quân sự này không quan tâm tới cuộc chạy đua vũ trang mới và đối đầu với Nga, thì Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nhấn mạnh London và NATO sẵn sàng tăng chi tiêu quốc phòng nhằm đáp trả việc Nga hiện đại hóa lực lượng vũ trang để nâng cao khả năng phòng thủ. Theo tờ Times, những tuyên bố của ông Fallon ám chỉ rằng Anh và NATO đang trong tình trạng chạy đua vũ trang với Nga theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng kế hoạch của Nga đã thu hút sự quan tâm của nhiều nước và cho thấy dấu hiệu đảo ngược của chính sách giải trừ quân bị.

Đáp trả những tuyên bố của Mỹ và NATO, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định, kế hoạch hiện đại hóa tiềm lực hạt nhân của Nga không đi ngược với trách nhiệm quốc tế của nước này. Tướng Yuri Yakubov, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga, cho biết, trước hết Mátxcơva sẽ đưa thêm xe tăng, pháo cối và máy bay chiến đấu tới biên giới phía Tây. Điện Kremlin cũng có thể đẩy nhanh việc triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới vùng Kaliningrad sát châu Âu và tăng số lượng quân sĩ ở Belarus. Những phát biểu của giới chức Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Putin khẳng định chính phủ Mátxcơva vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình tái vũ trang, ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện tại./.

Thanh Hằng (tổng hợp)/SGGP online

 

Chia sẻ bài viết