Tiếng Việt | English

22/11/2015 - 08:53

Nhìn lại tuần làm việc thứ 4 của Quốc hội: Sôi nổi, thẳng thắn!

Tuần làm việc thứ tư của Quốc hội có lẽ là tuần làm việc sôi động nhất tại kỳ họp thứ 10- kỳ họp áp chót của Quốc hội khóa 13.

Sôi động bởi lẽ, câu chuyện nghị trường đã trở thành tâm điểm chú ý của hàng triệu cử tri trên cả nước qua 2 ngày rưỡi chất vấn, bởi rất nhiều nét mới chưa từng có trong tiền lệ: 16 bộ trưởng đăng đàn, chưa kể người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội.

Tinh thần dân chủ, nói thẳng, nói thật đã lan tỏa từ Nghị trường ra ngoài xã hội. Bên cạnh phiên chất vấn, trong tuần làm việc thứ tư, Quốc hội tiếp tục hoàn thành vai trò lập pháp với nhiều dự luật quan trọng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn

Tuần làm việc thứ tư đã diễn ra phiên chất vấn "chưa có tiền lệ" theo tinh thần đổi mới, với sự có mặt của tất cả các thành viên Chính phủ và không giới hạn vấn đề chất vấn. Đổi mới phương thức chất vấn thì cử tri được gì? Quốc hội được gì? Đó là điều được nhiều người quan tâm.

Trước hết, với một phạm vi rất rộng các nội dung được chất vấn thì dù là người bàng quan nhất cũng có thể hiểu được những gì đang cản trở sự phát triển của đất nước. Đó là tham nhũng, lãng phí, là cải cách hành chính chậm, là việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước chưa thật sự hiệu quả, là nợ công tăng nhanh, là nền nông nghiệp chưa tìm được hướng đi đúng trong bối cảnh hội nhập đang rất gần, là nền công nghiệp phụ trợ èo uột…

Trong 2 ngày rưỡi chất vấn, có lẽ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm nhiều thời gian nhất của Quốc hội khi có đến 4 thành viên Chính phủ đăng đàn. Không lo sao được khi “đường đi từ bàn ăn đến nghĩa địa đã rất gần” như một đại biểu đã thốt lên. Không lo sao được khi thực phẩm bẩn là nguyên nhân chính cướp đi hàng trăm ngàn sinh mệnh mỗi năm.


Thứ hai, có người ví, phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ khóa 13 giống như một cuộc “sát hạch”, trước hết với đại biểu Quốc hội. Qua đó, cử tri có thể “kiểm tra” được đại biểu Quốc hội xem bao nhiêu vấn đề họ gửi gắm, bao nhiêu tâm tư, có được chuyển tải đến Quốc hội một cách đầy đủ hay không, nhất là những vấn đề đã được phản ánh nhiều lần mà chưa được giải quyết thấu đáo. Như vậy, cử tri mới thực sự yên tâm vào các đại biểu của họ, yên tâm vào các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi phiên họp.

Thứ ba, phiên chất vấn không chỉ là cuộc “sát hạch" với đại biểu mà chắc chắn, nó còn là cuộc “sát hạch” đối với các vị tư lệnh ngành, nhất là khi họ nhận được những câu hỏi "nhạy cảm" như chức danh “hàm” đối với cơ quan Trung ương, “chuyến tàu vét” của quan chức sắp nghỉ hưu, hay du lịch Việt Nam bao giờ bằng Thái Lan, Singapore.v.v…

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn
 

Nó đòi hỏi mỗi vị tư lệnh không chỉ bao quát vấn đề, trả lời một cách có tình, có lý, có sức thuyết phục mà còn phải thấy được “trách nhiệm cá nhân” của mình trong đó. Theo đánh giá của cử tri, trong phiên chất vấn vừa qua, Chính phủ đã thể hiện tinh thần cầu thị, thái độ trách nhiệm rất cao từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, đến các bộ trưởng.

Tuy nhiên, còn có một số vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời dài dòng, không đi vào trọng tâm, thiếu giải pháp đột phá để tạo chuyển biến rõ hơn trong thời gian tới. Cử tri mong muốn, Đảng, Chính phủ coi trả lời chất vấn là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, để xem xét cán bộ có xứng đáng với trọng trách "tư lệnh" ngành hay không.

Qua phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ khóa 13 thì Quốc hội được gì? Chắc chắn, đó là những kinh nghiệm quý để trao truyền cho nhiệm kỳ khóa 14 nhằm nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội. Đặc biệt, cử tri cả nước và bạn bè quốc tế nhìn vào phiên chất vấn có thể cảm nhận được một không khí dân chủ, thẳng thắn, dám nói thẳng, nói thật. Không khí này sẽ lan tỏa từ Nghị trường ra ngoài xã hội.

Trong tuần làm việc thứ tư, tiếp tục chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thảo luận 4 dự án luật gồm: Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật dược (sửa đổi), Luật về hội và Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 3 dự án Luật gồm: Luật an toàn thông tin mạng, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật kế toán (sửa đổi).

Trong đó, Luật an toàn thông tin mạng có quy định về ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố. Các biện pháp được đưa ra bao gồm vô hiệu hóa nguồn Internet để thực hiện hành vi khủng bố; Ngăn chặn việc thiết lập và mở rộng trao đổi thông tin về các tín hiệu, nhân tố, phương pháp và cách sử dụng Internet để thực hiện hành vi khủng bố, về mục tiêu và hoạt động của các tổ chức khủng bố trên mạng...

Trong số các hành vi bị nghiêm cấm có việc nghiêm cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.

Đối với Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nội dung quan trọng nhất là: Hoạt động giám sát được thực hiện theo đúng nguyên tắc “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”, bảo đảm để chủ thể giám sát thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cũng không có sự chồng chéo, trùng lắp.

Tuần làm việc thứ tư đã kết thúc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có phiên chất vấn sôi nổi với nhiều phát ngôn ấn tượng. Phiên chất vấn đã trở thành tâm điểm thảo luận của nhiều tầng lớp dân cư. Và đặc biệt, mỗi cử tri qua phiên chất vấn này cũng phải thấy được trách nhiệm của mình trong đó, cùng sát cánh, đồng hành với Quốc hội, Chính phủ nhằm đưa đất nước phát triển trong những năm sắp tới./.

Hương Giang/VOV-Trung tâm Tin
Ảnh: Hoàng Long 

Chia sẻ bài viết