Tỉnh phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc (Trong ảnh: Dự án T&T tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc)
Từng bước thay đổi diện mạo đô thị
Đô thị hóa và PTĐT đang dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng sống của người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị loại II là TP.Tân An; 1 đô thị loại III là thị xã Kiến Tường; 5 đô thị loại IV: Thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa và 12 đô thị loại V: Thị trấn Tân Hưng, thị trấn Vĩnh Hưng, thị trấn Tân Thạnh, thị trấn Thạnh Hóa, thị trấn Thủ Thừa, thị trấn Tân Trụ, thị trấn Tầm Vu, thị trấn Đông Thành, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Bình Phong Thạnh, đô thị khu vực Rạch Kiến và đô thị Long Đức Đông.
TP.Tân An sẽ phát triển đô thị thông minh, cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I cuối năm 2025, công nhận trước năm 2030
Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo thông tin: Diện tích tự nhiên của thành phố hiện là 81,73km2, quy mô dân số hơn 158.000 người; có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 9 phường và 5 xã.
Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, TP.Tân An hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người dân trên địa bàn. Đó là người dân, doanh nghiệp sẽ được tạo môi trường làm việc hiệu quả, an toàn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí (TC) đô thị loại I vào cuối năm 2025, công nhận trước năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2020-2025, thành phố huy động khoảng 17.000-18.000 tỉ đồng để thực hiện đạt cơ bản 5 TC và 63 tiêu chuẩn đô thị loại I (quy định tại Nghị quyết (NQ) số 1210/2016/UBTVQH13 và NQ số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ số 1210 về phân loại đô thị). Để đạt diện tích tự nhiên (từ 150km2 trở lên), thành phố đang ưu tiên lan tỏa đô thị theo hướng Đông Nam và Đông Bắc gắn với hành lang phát triển phía Nam tỉnh. Cụ thể là lấy tuyến sông Vàm Cỏ Tây làm trục cảnh quan chính và lấy đường Vành đai TP.Tân An là trục động lực; triển khai quy hoạch PTĐT theo hướng hài hòa, đa trung tâm, giữ vững cảnh quan sông nước đặc thù kết hợp hình thành các đô thị mới.
Một phần cảnh quan đô thị Kiến Tường
Hướng đến phát triển xanh và bền vững
Tỉnh quy hoạch, xây dựng, quản lý và PTĐT bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, kiến trúc đô thị hiện đại. Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, căn cứ vào các văn bản của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 19/8/2022 về việc thực hiện NQ số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 21.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng đang điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng các đô thị loại III trở lên tại đô thị Tân An và đô thị Kiến Tường về một số TC, tiêu chuẩn phân loại đô thị nhằm bảo đảm thực hiện NQ số 06 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, ngành Xây dựng quyết tâm cao thực hiện Kế hoạch hành động nhằm mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng cải thiện hạ tầng theo hướng bền vững và xanh hóa cảnh quan đô thị, đặc biệt là thực hiện xanh hóa sản xuất.
Theo quy hoạch, huyện Bến Lức sẽ phát triển đô thị gắn với khai thác hài hòa, lợi thế sông Vàm Cỏ Đông, tạo lập không gian đô thị xanh, sinh thái
Trong quá trình thẩm định quy hoạch, thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và cấp phép xây dựng cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều quy định phải bảo đảm tỷ lệ đất cây xanh tối thiểu theo quy định của quy chuẩn. Vị trí bố trí cây xanh phải bảo đảm bán kính phục vụ và mang lại hiệu quả cảnh quan cho dự án và cảnh quan chung. Song song đó là thực hiện xanh hóa lối sống bằng cách quan tâm phát triển diện tích cây xanh trong quy hoạch theo định hướng nâng cấp đô thị cũng như áp dụng các giải pháp thiết kế kiến trúc xanh,...
Ông Nguyễn Văn Hùng thông tin: Thời gian tới, việc hình thành, PTĐT tại Long An cần tập trung công tác lập đồ án quy hoạch, quy hoạch chung đô thị Tân An đi đôi với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường. Hiện Đồ án Quy hoạch chung các đô thị: Tân An, Kiến Tường, Đức Hòa, Cần Giuộc và Bến Lức được xúc tiến thực hiện. Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt sẽ lập kế hoạch và triển khai lập chương trình PTĐT, đánh giá các TC, tiêu chuẩn, đầu tư phát triển đạt điều kiện lập đồ án phân loại đô thị dự kiến đạt các đô thị loại I, II và III thuộc tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, các công trình tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị. Phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện TC phân loại đô thị về hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành đô thị cấp huyện, cấp tỉnh và cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa tương đương mức bình quân các đô thị trên toàn quốc./.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh có 27 đô thị:
1 đô thị loại I (TP.Tân An); 1 đô thị loại II (thị xã Kiến Tường); 3 đô thị loại III (gồm các đô thị: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa); 9 đô thị loại IV (gồm các thị trấn: Cần Đước, Đông Thành, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Tầm Vu); 13 đô thị loại V (Rạch Kiến, Long Cang, Long Hựu Đông, Long Trạch, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Nam, Hưng Điền B, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Bình Phong Thạnh, Hậu Thạnh Đông, Tân Long, Lạc Tấn).
- Theo quy hoạch đến năm 2045, thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ; là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Đồng thời, phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, đô thị hỗ trợ kinh tế biên mậu; phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh;...
- Theo quy hoạch đến năm 2030, huyện Đức Hòa sẽ đạt TC đô thị loại III, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, hướng tới đạt TC đô thị loại II, giai đoạn đến năm 2045. Về tính chất đô thị, định hướng đô thị Đức Hòa sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, phát triển gắn kết giữa các yếu tố đặc trưng về cảnh quan sông nước, văn hóa, lịch sử để định hình đô thị giàu bản sắc, tiền đề phát triển mô hình kinh tế mới gắn với dịch vụ, du lịch. Đây cũng là trung tâm công nghiệp tập trung đa ngành, công nghiệp phụ trợ, chế biến của tỉnh và vùng TP.HCM. Ngoài ra, còn là trung tâm thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục và đào tạo cấp vùng; là đầu mối giao thông đường bộ và đường thủy giữa vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đến năm 2030, PTĐT Bến Lức đạt TC đô thị loại III, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II. Bến Lức sẽ phát triển thành đô thị thông minh - sinh thái - bản sắc, tiên phong, áp dụng tiến bộ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nâng cấp chất lượng đô thị; khai thác hài hòa, lợi thế sông Vàm Cỏ Đông, tạo lập không gian đô thị xanh, sinh thái gắn với đặc trưng của miền Tây sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bến Lức cũng sẽ là đô thị cửa ngõ phát triển nhanh và bền vững, khai thác tối đa vị trí tiếp giáp trực tiếp với TP.HCM, cửa ngõ của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giảm áp lực tăng dân số của TP.HCM; đóng vai trò là động lực quan trọng, lan tỏa, dẫn dắt sự phát triển KT-XH của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long,...
- Quy hoạch đến năm 2030, Cần Giuộc sẽ thành đô thị loại III. Theo định hướng không gian tổng thể, Cần Giuộc sẽ PTĐT gắn với Cảng Quốc tế Long An, trở thành đô thị trọng điểm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò hỗ trợ, giảm áp lực gia tăng dân số tại TP.HCM. Song song đó, Cần Giuộc sẽ là điểm kết nối các đô thị trong hệ thống đô thị tỉnh và phụ cận, bao gồm các đô thị Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM) và đô thị Bến Lức, Cần Đước (Long An),…
|
Thanh Nga