Tác động tiêu cực đến giới trẻ
Tuổi trẻ cần tham gia các hoạt động bổ ích để giáo dục lòng yêu nước, đây cũng là một cách ngăn ngừa sự lệch lạc trong xã hội
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, MXH từng ngày, từng giờ tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các trang MXH như Facebook, TikTok, Twitter,… đã trở thành công cụ thông tin liên lạc và chia sẻ cộng đồng phổ biến đối với hàng tỉ người trên thế giới.
Đặc biệt là khi đất nước ta, tỉnh ta đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số thì không thể phủ nhận những mặt tích cực do MXH đem lại. Tuy nhiên, mặt trái của MXH hiện nay, nhất là những vấn đề liên quan đến quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức có sự tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ.
Hầu hết các gia đình hiện nay đều sử dụng Internet để phục vụ công việc cũng như nhu cầu giải trí. Do đó, trẻ em có điều kiện tiếp xúc sớm với Internet. Đã có không ít trường hợp trẻ em nghiện game online, nghiện sử dụng các nền tảng MXH. Nguy hiểm hơn, MXH thực chất là ảo nên dẫn đến một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trẻ em để lôi kéo, kích động, dụ dỗ. Từ những mối quan hệ “ảo” này, có không ít trẻ em, nhất là trẻ em gái trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều loại hình giải trí. Tại TP.Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác, quán bar, pub từ lâu không còn xa lạ đối với giới trẻ. Đi bar tất nhiên không phải là xấu, thế nhưng theo sự chia sẻ của một số bạn trẻ, cũng có những ý kiến trái chiều.
Chị Thanh Dung (30 tuổi, ngụ phường 3, TP.Tân An) nói: “Tôi cho rằng để đánh giá một người hư hỏng không thể dựa vào việc họ thích đi bar chơi. Thế nhưng, qua tìm hiểu trên các trang báo chính thống và MXH Facebook do một số bạn chia sẻ, tôi thấy có một số hình ảnh không mấy đẹp ở bên trong một vài quán bar. Đó là việc một số bạn nữ ăn mặc quá mức hở hang, múa cột với những tư thế gợi dục,…
Chỉ sau 30 phút được khách "boa" tiền 1,5 triệu đồng. Đáng nói là sau khi clip đăng tải, một số người bình luận bày tỏ quan điểm sai trái thì bị… chửi hội đồng. Trong khi đó, có một bộ phận người trẻ lại ngưỡng mộ, trầm trồ, xem như Idol (thần tượng). Tôi cho rằng, chỉ nên vui chơi, giải trí lành mạnh thôi chứ không nên cổ súy, tôn sùng rồi suy nghĩ lệch lạc đối với hành vi trên vì điều này hết sức nguy hiểm”.
Chúng ta không thể cấm mọi người, nhất là giới trẻ thần tượng một ai đó, song nếu thần tượng “độc hại” sẽ dẫn đến những suy nghĩ, hành động lệch lạc. Nhắc đến Ngân 98 có lẽ là cái tên khá quen thuộc với nhiều người. Nữ DJ này có tài khoản Facebook với trên 2,1 triệu lượt người theo dõi. Cô nổi tiếng với những video khoe thân cùng phát ngôn gây sốc trên MXH và nhiều hành vi gây tranh cãi. Cô cũng từng bị xử phạt vì ăn mặc phản cảm ra đường.
Điều đáng nói, mặc dù có nhiều động tác không hợp với thuần phong mỹ tục khi trình diễn song nhiều bình luận trên MXH lại nhận được khá nhiều tương tác hâm mộ cô ở sự dựa vào việc ăn mặc “thiếu vải” khi livestream bán hàng và trở nên giàu có. Trong khi đó, những góp ý được xem là đúng chuẩn mực thì… bị cho là ganh ghét.
Cần chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn
Tri ân những gia đình có công với nước, lan tỏa hành động đẹp để góp phần chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong xã hội
Báo Dân trí trong một bài đăng có dẫn lại chia sẻ nhà văn Trần Thị Trường, quán bar cũng là không gian công cộng khi có nhiều khán giả và vì thế nghệ sĩ biểu diễn ăn mặc hở hang quá mức hay có những hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục là điều khó chấp nhận, dễ bị phản ứng. Bà nhận định: “Đã là nghệ sĩ, người nổi tiếng thì phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng. Đừng nên bán rẻ hình ảnh của mình vì cát sê, hay dùng mọi cách, kể cả những hành vi khiêu khích, “gợi dục” để câu khách, chiều khán giả”.
Trong toàn văn thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 05/01/1952 có đoạn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời của Bác như một sự khẳng định về vai trò, vị trí, ý nghĩa của các văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhớ lời của Bác, đội ngũ những người làm nghệ thuật cần phải trau dồi, nhất là về mặt đạo đức vì hình ảnh của họ ảnh hưởng khá nhiều đến một bộ phận trong xã hội, trong đó có giới trẻ.
Đơn cử, những ngày gần đây, Concert BlackPink đang là xu hướng nóng nhất trên các nền tảng MXH ở Việt Nam. BlackPink là nhóm nhạc nữ ở Hàn Quốc đang rất được ưa chuộng trên thế giới hiện nay. Những câu chuyện lùm xùm liên quan đến công ty tổ chức sự kiện, khi nhiều khán giả phát hiện trang chủ đơn vị này đăng bản đồ có hình ảnh “đường lưỡi bò phi pháp” đã khiến cảm nhận của cộng đồng mạng về sự kiện này chuyển sang hướng tiêu cực.
Nhiều người trẻ vỡ mộng làm giàu khi “ôm” vé BlackPink. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó có vào cuộc làm việc, xác minh,… Qua sự việc này, cũng có nhiều bình luận diễn ra trên các diễn đàn cho rằng, yêu nghệ thuật thì được nhưng phải luôn có tinh thần yêu nước.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tân An - Trần Văn Đờn cho biết, thanh, thiếu niên nhóm xã hội dễ có những hành vi sai lệch hơn so với các nhóm xã hội khác bởi do tâm lý đặc thù. Để ngăn ngừa biểu hiện lệch lạc, “lệch chuẩn” trong xã hội ở giới trẻ cần sự phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Chúng ta cần có sự quan tâm đối với con em mình, giáo dục thanh, thiếu niên trở thành những con người phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Đó là những con người “có trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao” như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XV ngày 11/8/2021. Vì chỉ khi có giáo dục, có nhận thức, tri thức, chúng ta mới nhận biết và tránh xa những biểu hiện lệch lạc, “lệch chuẩn”. Đó là việc cần phải tập hợp, rèn luyện giới trẻ vào những tổ chức chính trị - xã hội, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, làm những điều hay, lan tỏa những mặt tích cực trong xã hội, bồi dưỡng ý chí, lòng yêu nước.
Để chấn chỉnh hành vi “lệch chuẩn”, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Đó là tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm. Đây là những quy tắc cần thiết giúp định hướng, điều chỉnh hành vi của người nổi tiếng theo phương châm lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực./.
Thanh Nga