Tiếng Việt | English

30/08/2021 - 10:35

Quốc khánh 2/9: Giá trị của độc lập - tự do - hạnh phúc cho con người

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây cũng chính là bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của tất cả các dân tộc, vì nó không chỉ khẳng định những nguyên tắc pháp lý về độc lập dân tộc mà còn khẳng định quyền cơ bản của con người - tự do và hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến tư tưởng vĩ đại của Tômát Giépphơxơn trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và, Người nhắc đến tư tưởng của các nhà triết học Pháp thế kỷ XVIII trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của nước Pháp rằng: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Người đã khéo léo vận dụng ngay những tinh hoa của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người trước đây thể hiện những “lời bất hủ” trong hai bản tuyên ngôn trên để khẳng định “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Nhưng điều đặc sắc ở Hồ Chí Minh là ở chỗ, sau khi khẳng định quyền con người với ý nghĩa là quyền con người nói chung và quyền mỗi con người nói riêng, Người đã “suy rộng ra” và nâng lên thành quyền của tất cả các dân tộc trong thời đại mới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đó là kết luận logic, hợp lý và đanh thép.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định về mặt nguyên tắc pháp lý về quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và các dân tộc trên thế giới mà còn khẳng định trong thực tiễn đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam với các quyền dân tộc thiêng liêng đó.

Kết thúc bản Tuyên ngôn, Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam là hòn đá tảng pháp lý đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc và thực tế với quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam về quyền được sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, về quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam với tất cả các dân tộc trên thế giới.

Từ đó đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tiếp tục thực hiện hóa mục tiêu “tự do, hạnh phúc” cho con người Việt Nam bằng quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mà cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo được dấu ấn nổi bật, to lớn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng khẳng định trước toàn Đảng, toàn dân và quân ta: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được thực hiện hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ và tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, “nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới”.

“Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng KT-XH những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ôtô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và THCS, trạm y tế và điện thoại. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần,... Liên Hợp Quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển”. Đó chính là nội dung đầy đủ nhất của mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đề ra cho chế độ mới.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, đổi mới, sáng tạo để thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả. Với tinh thần “ấm no, hạnh phúc” cho nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho nhân dân với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Điều đó đã thể hiện rất rõ tinh thần bất diệt của Ngày Quốc khánh 2/9/1945 vì “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho nhân dân./.

Đoàn Văn Xê (Trường Chính trị Long An)

Chia sẻ bài viết