Tiếng Việt | English

04/05/2021 - 10:00

Quyết liệt trong chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng

Nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, 10 năm qua, Long An triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc ngày 07/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về PCTN (UNCAC). Qua đó, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, tương xứng là địa phương giáp ranh TP.HCM năng động, cửa ngõ khu vực miền Tây.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Những kết quả trong phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, với sự lãnh, chỉ đạo tập trung sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội,… công tác PCTN trên địa bàn tỉnh có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa, góp phần ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, ổn định tình hình chính trị địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Công tác đấu thầu qua mạng tại tỉnh từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn và vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, là công cụ hữu hiệu trong công tác PCTN, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu. Giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh triển khai, thực hiện đấu thầu 12.163 gói thầu, tổng giá gói thầu 13.655.720 triệu đồng, tổng giá trúng thầu 12.853.679 triệu đồng (tỷ lệ tiết kiệm đạt khoảng 6%). Đặc biệt năm 2019, UBND tỉnh triển khai, thực hiện công tác đấu thầu qua mạng, từ đó tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng được 90/209 gói thầu chào hàng cạnh tranh (đạt 43%); 197/339 gói thầu rộng rãi (đạt 58%); tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu cao (đạt tỷ lệ 11%), mang lại hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, tiết kiệm một phần ngân sách cho địa phương, đem đến hiệu quả cao hơn trong quản lý đầu tư công.

Trong 10 năm (2010-2020), tỉnh triển khai 314 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN. Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có vi phạm, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định của Luật PCTN; đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn để việc thực hiện ngày càng hiệu quả hơn. Đến nay, toàn tỉnh thành lập 129 Ban Thanh tra nhân dân với 1.797 thành viên và 1.067 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng với 5.252 thành viên. Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng từng bước đi vào nề nếp, chất lượng giám sát, kiến nghị ngày càng hiệu quả hơn. Hàng năm, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng phát hiện, kiến nghị hơn 200 vụ việc, được các cơ quan thẩm quyền quan tâm xem xét, xử lý, trả lời.

Một vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Long An được xét xử công khai năm 2020

Một vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Long An được xét xử công khai năm 2020

Tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng 

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 12 vụ liên quan đến tham nhũng được phát hiện, xử lý qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng số tiền sai phạm 5.314.251.289 đồng; số vụ việc được xác định là tham nhũng qua công tác điều tra đã được đưa ra truy tố, xét xử là 40 vụ với 47 bị cáo. Tổng tài sản thiệt hại do tham nhũng gây ra trong kỳ báo cáo là 12.614.707.529 đồng; đã thu hồi được 10.767.299.556 đồng (đạt tỷ lệ 85,36%); chưa thu hồi, khắc phục được: 1.847.407.973 đồng (chiếm tỉ lệ 14,64%).

Theo số liệu thống kê của Thanh tra tỉnh, từ ngày 01/01/2010 đến ngày 01/01/2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai và kết thúc 885 cuộc thanh tra KT-XH, phát hiện sai phạm số tiền 112.708.684.000 đồng, 39.203 USD và 1.424,791ha đất, kiến nghị thu hồi và đã thu hồi số tiền 51.147.633.000 đồng, 39.203 USD và 385,71ha đất. Qua thanh, kiểm tra, phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên nhiều lĩnh vực; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 89 tập thể, 343 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra thụ lý 15 vụ.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực về nhiều mặt: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được quan tâm tăng cường, tạo được sự chuyển biến lớn trong nhận thức, ý thức và dần chuyển thành hành động tích cực của toàn xã hội đối với việc quan tâm hơn để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, đặc biệt là nâng cao hơn được ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức ngành Thanh tra đối với nhiệm vụ PCTN. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị gắn với việc thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; xây dựng và hoàn thiện, tổ chức thực hiện bảo đảm đúng và đầy đủ các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp,...

Đồng thời, các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện đều được điều tra, truy tố, xét xử cơ bản kịp thời, đúng quy định pháp luật, thu hồi được tiền, tài sản vi phạm về cho ngân sách nhà nước, bảo đảm xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm,... Qua đó đã giúp cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn tỉnh ngày càng có chuyển biến rõ nét; trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế; trong ngành Thanh tra chưa phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Kết quả đã đạt sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính Phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 có ý nghĩa quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt và có hiệu quả hơn công tác PCTN trong thời gian tới./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết