Tiếng Việt | English

13/12/2018 - 09:25

Tăng cường giám sát, phản biện xã hội

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Qua 5 năm thực hiện, hệ thống MTTQ các cấp đạt nhiều kết quả.

5 năm qua, MTTQ, các đoàn thể tỉnh Long An từng bước tổ chức, triển khai và thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, chủ trì GS việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; việc thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư, xây dựng ao lắng nuôi tôm nước lợ; việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; việc thực hiện chính sách đối với các hợp tác xã;...

Tăng cường giám sát, phản biện xã hội

Hoạt động GS của Mặt trận cấp xã được triển khai thực hiện qua các nội dung: GS việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội; việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc chấp hành giờ giấc làm việc và thái độ ứng xử với công dân của cán bộ, công chức; việc quản lý đất công, chuyển mục đích sử dụng đất; việc sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm phòng, chống tham nhũng, lãng phí,... và nhiều lĩnh vực khác.

Hầu hết các kiến nghị sau GS được các cơ quan xem xét, khắc phục, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện theo thẩm quyền. Thông qua hoạt động GS góp phần phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém; sửa đổi những quy định phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Bên cạnh hoạt động GS, công tác phản biện luôn được Mặt trận quan tâm thực hiện, tập trung phản biện dự thảo các văn bản quan trọng của cơ quan thẩm quyền, tổ chức hội nghị PBXH đối với các quy hoạch, dự án, các dự thảo nghị quyết, kế hoạch của HĐND, UBND cùng cấp: Phản biện dự thảo nghị quyết quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố và lực lượng công an bán vũ trang ở các xã biên giới; dự thảo điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; dự thảo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất; dự thảo kế hoạch đầu tư công trình nâng cấp hệ thống xử lý nước sạch; dự thảo đề án phát triển hạ tầng giao thông hoàn chỉnh;...

Nếu như năm 2014, chỉ Mặt trận và một vài tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức được hoạt động GS thì đến nay, hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở, các đoàn thể cấp tỉnh, huyện đều tổ chức thực hiện. Số lượng, chất lượng các cuộc GS ngày càng nâng lên, lĩnh vực, nội dung GS ngày càng rộng hơn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của người dân. 

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác GS và PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn một số hạn chế. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về quy chế GS và PBXH; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân để lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân sẽ là tiền đề để tổ chức tốt hơn công tác GS và PBXH của Mặt trận, các đoàn thể. Bên cạnh đó, việc phát huy các hình thức GS nhân dân, động viên nhân dân GS cũng sẽ góp phần thực hiện tốt công tác GS và PBXH./.

Hồ Thu

 

Chia sẻ bài viết