Tiếng Việt | English

02/12/2019 - 19:38

Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Nhật Bản

Thời gian qua, các hoạt động hợp tác quốc tế được Long An đặc biệt quan tâm. Trong đó, tỉnh tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản góp phần nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại cũng như thu hút đầu tư.

Đoàn công tác tỉnh Long An chào xã giao Tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa, Nhật Bản

Tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư

Nhằm xúc tiến đầu tư và kết nối địa phương tại Nhật Bản, từ ngày 01/9 đến 07/9/2019, Đoàn công tác tỉnh Long An do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Đoàn đến thăm và chào xã giao chính quyền tỉnh Oita. Đây là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp với sự phát triển đồng bộ các ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Oita có sản lượng và chất lượng thuộc hàng cao nhất của Nhật Bản như quả mơ, quả chanh (Kubosa), nấm hương Shiitake, bò thịt, gà,… Bên cạnh nông nghiệp, tỉnh Oita cũng là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp tại khu vực đảo Kyushu của Nhật Bản. Một số ngành công nghiệp phát triển của tỉnh như ôtô, dầu hỏa, điện tử, sắt thép,… Đặc biệt, với lợi thế về khí hậu và điều kiện tự nhiên (hơn 3.000 suối nước nóng, nhiều nhất Nhật Bản), hàng năm, tỉnh Oita thu hút một lượng lớn khách du lịch, trong đó có khoảng 3.000 du khách Việt Nam. Tỉnh Oita cũng đang thu hút khoảng 500 sinh viên Việt Nam đến học tập tại các trường đại học và cơ sở đào tạo của tỉnh. 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn đàn Môi trường đầu tư Việt Nam tại tỉnh Kanagawa (Nhật Bản), Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa giới thiệu tổng quan về tình hình KT-XH của Long An, các thế mạnh về thu hút đầu tư và đặc biệt là tình hình đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Long An. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh 3 năm gần nhất từ 2016-2018 đạt bình quân 9,65%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. 

Hiện nay, địa phương đang có 144 DN Nhật Bản đến đầu tư với số vốn khoảng 509 triệu USD, lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các DN này là sản xuất ván ép, chế biến nông sản, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, gia công hàng may mặc, gia công cơ khí,... Qua các chuyến thăm, làm việc và xúc tiến thương mại, đầu tư, các đoàn công tác của tỉnh luôn được lãnh đạo các địa phương bạn đón tiếp một cách trọng thị, được đông đảo DN bạn quan tâm, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ở mỗi nơi đoàn đến thăm, bạn bè quốc tế, các DN đều đã tìm hiểu khá kỹ về tỉnh Long An và bày tỏ thiện chí muốn hợp tác để cùng phát triển. Qua mỗi chuyến đi, vị thế Long An được nâng cao, ngày càng rõ nét trong suy nghĩ của bạn bè quốc tế.

Nâng cao năng lực cung ứng lao động 

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, tiếp nhận lao động Việt Nam với quy mô lớn và là thị trường tiềm năng nhất hiện nay cho lao động có trình độ tay nghề, kỹ năng.

Đoàn công tác tỉnh Long An khảo sát thực tế tại một nhà máy cơ khí ở thành phố Bungotakada, Nhật Bản

Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Nghiệp đoàn Quản lý lao động của thành phố Bungotakada. Thành phố Bungotakada thuộc tỉnh Oita, có dân số khoảng 23.000 người, số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm do thanh niên trong thành phố có xu hướng chuyển đến sống và làm việc ở các trung tâm kinh tế lớn của Nhật Bản như Tokyo, Osaka hay gần hơn là Fukuoka. Thời gian qua, thành phố có chủ trương thu hút lao động các nước đến sống và làm việc tại đây. Trong số hơn 480 thực tập sinh quốc tế đang làm việc tại các nhà máy của thành phố Bungotakada, có hơn 50% (khoảng 250 thực tập sinh) là người Việt Nam. Ông Mochiyama Kouta đánh giá lao động người Việt Nam có kỹ năng, cần cù và có kỷ luật lao động tốt, hơn cả mong đợi ban đầu của lãnh đạo thành phố. Ông Tsuzuki Takashi - Quản lý Nghiệp đoàn lao động Bungotakada International Contribution, giới thiệu về nghiệp đoàn như là một mô hình tiên phong về hợp tác giữa Nghiệp đoàn Quản lý lao động và chính quyền tại Nhật Bản. Nghiệp đoàn được thành lập với mục đích ngăn chặn suy thoái kinh tế của địa phương do sự thiếu hụt lao động bằng cách đẩy mạnh sử dụng thực tập sinh nước ngoài. Đặc thù kinh tế của thành phố Bungotakada là lắp ráp linh kiện ôtô, vốn sử dụng nhiều lao động. Do đó, việc nghiệp đoàn phối hợp chính quyền thành phố sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, kể cả với người lao động nước ngoài. Dự kiến thời gian tới, thành phố Bungotakada cần khoảng 1.000 lao động quốc tế, trong đó tiềm năng nguồn lao động Việt Nam đến làm việc là rất lớn.

Đoàn tìm hiểu sản phẩm nấm Shiitake tại tỉnh Oita, Nhật Bản

Long An có dân số hơn 1,6 triệu người với hơn 900.000 người trong độ tuổi lao động. Địa phương có 24 cơ sở đào tạo nghề với hơn 560 giáo viên có kinh nghiệm. Hiện nay, chính quyền tỉnh xây dựng đề án xuất khẩu lao động với trọng tâm là đưa người lao động của tỉnh đi nước ngoài làm việc, học tập, sau đó trở về làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Trong số các quốc gia mà tỉnh nhắm đến, Nhật Bản là lựa chọn hàng đầu trong định hướng xuất khẩu lao động của địa phương. Thời gian tới, các sở, ngành và DN 2 bên tiếp tục trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể nhu cầu hợp tác trong việc đưa lao động từ Long An sang Bungotakada làm việc. 

Ông Huỳnh Hảo Hiệp - Giám đốc Trung tâm Đào tạo XKLĐ của Công ty Tracodi, một DN theo đoàn tỉnh Long An đã giới thiệu sơ bộ về Công ty Tracodi và năng lực đào tạo, cung ứng lao động Việt Nam cho các nghiệp đoàn, DN của Nhật Bản. Thời gian tới, Công ty Tracodi mong muốn sẽ là “cầu nối” giữa tỉnh Long An và thành phố Bungotakada trong việc cử lao động có kỹ năng từ tỉnh Long An sang làm việc tại thành phố Bungotakada.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp Trung tâm Xúc tiến lao động nước ngoài của tỉnh Ibaraki thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể giữa 2 địa phương cho “Chương trình thực tập sinh kỹ thuật” và “Lao động kỹ năng đặc định”.

Long An tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ giao lưu, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và quan hệ hợp tác giữa các trường dạy nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm cho lao động trong tỉnh, qua đó thu hút mọi nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết