“Khuất Nguyên bị đuổi/ Ba năm không được gặp lại chúa/ Dốc trí hết trung/ Mà bị gièm bỏ/ Lòng buồn lo rối/ Chẳng biết làm sao/ Bèn đi tìm Chiêm Doãn xin bói/ Rằng: Có điều nghi ngại/ Xin tiên sinh đoán cho/ Chiêm Doãn bèn đặt thẻ và lau vỏ rùa: Ngài toan dạy gì đây? Khuất Nguyên liền đáp ngay: Ta nên khẩn khoản mà giữ trung à? Hay nên thù ứng tới lui cho đến cùng à? Ta nên cuốc xáo vỡ vạc ra sức cày à? Hay nên giao du quyền quý mà thành danh à? Nên nói ngay chẳng kị mà nguy mình à? Hay nên theo đòi giàu sang mà cầu vinh à? Nên cất mình cao thượng mà giữ lẽ phải à? Hay nên ê a nhu nhơ mà thờ con gái à? Nên liêm khiết chính trực mà trong veo à? Hay nên mềm dẻo trơn tru như mỡ như da mà nịnh chiều à? Nên ngang tàng như ngựa nghìn dặm à? Hay nên lênh đênh như vịt nước theo dòng chìm nổi mà cầu sống tạm à? Nên cùng kì kí đua đòi à? Hay nên theo dấu ngựa tồi à? Nên cùng hồng hộc mà thi cánh à? Hay cùng gà vịt mà giành mánh à? Cái gì tốt cái gì xấu? Gì nên theo gì nên bỏ? Đời ngầu đục mà chẳng trong/ Cánh ve nặng trĩu/ Nghìn cân nhẹ bong/ Chuông vàng bỏ xó/ Chĩnh đất kêu oang/ Kẻ gièm đắc chí/ Người ngay mủi lòng/ Ôi sao vắng lặng a?/ Chiêm Doãn bèn buông thẻ mà tạ rằng: Phàm thước có chỗ ngắn/ Tấc có chỗ dài/ Vật có chỗ không đủ/ Trí có chỗ không ngời/ Số có chỗ không xiết/ Thần có chỗ không soi/ Dụng tâm như ngài/ Thẻ rùa thực không thể biết được”.
Khuất Nguyên là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa nổi tiếng thời cổ đại của Trung Quốc
Bài thơ Bốc cư trên đây (nguyên tác chữ Hán của Khuất Nguyên, do Dào Duy Anh dịch ra tiếng Việt) đã cho ta thấy nỗi lòng đau đáu trĩu nặng nỗi miềm của một vị quan từng là đệ nhất công thần rồi bị thất sủng. Bốc cư là bói chỗ ở, ở đây nên hiểu là ăn ở phải như thế nào, ứng xử phải như thế nào. Chiêm Doãn là vị quan chuyên coi bói, tức Thái bốc của nước Sở cổ đại. Khuất Nguyên mượn việc “Bốc cư” để giãi bày tâm sự u uất của một kẻ sĩ tài năng mà không được vua tin dùng. Ông sinh năm 390 (tr.CN), làm quan đến chức Tư Đồ (chức quan lớn chỉ đứng sau Lệnh Doãn-Tể tướng) dưới triều Sở Hoài Vương. Gặp thời ly loạn, 7 nước - Tần, Sở, Tề, Ngụy, Triệu, Hàn, Yên - xâu xé tranh giành quyền lực. Khuất Nguyên ở nước Sở đang cường thịnh bỗng chốc rơi xuống vực thẳm của sự hủy diệt. Ngày đêm ray rứt lo vận nước, nghĩ chỉ có cải cách chế độ chính trị mới cứu vãn được tình thế, song điều đó lại đụng chạm tới thế lực của bọn đại thần trục lợi, vơ vét của dân, nên chúng hùa nhau gièm pha họ Khuất để rồi vua Sở ngã theo bọn “lợi ích nhóm” này mà lạnh nhạt, ghét bỏ rồi đày Khuất Nguyên đi đến nơi khổ ải. 20 năm lưu đày nếm trải không biết bao nhiêu cơ cực, đắng cay, Khuất Nguyên chỉ còn biết lấy thi ca giải nỗi sầu hận mang trong lòng. Chính những năm tháng đọa đày dài dằng dặc ấy ông đã cho ra đời kiệt tác Ly Tao - trường ca về mối sầu ly biệt khi Khuất Nguyên bị vua Sở đày xuống phương Nam. Ông còn là tác giả của nhiều thi phẩm bất hủ như: Cửu Ca, Cửu chương, Thiên Vấn, Sở Từ được xếp vào hàng đại biểu kiệt xuất của nền thi ca vĩ đại của Trung Quốc. Riêng thi phẩm Sở Từ, đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta đã đánh giá: “Ba năm cố quốc đọa đày/Sở Từ muôn thuở bậc thầy văn chương”. Sở Từ được xếp cùng Kinh Thi – đều là đỉnh cao của thơ ca cổ đại Trung Quốc. Năm 1953, Hội đồng Hòa bình thế giới đã kêu gọi các nước tổ chức kỷ niệm Khuất Nguyên đồng thời xếp toàn bộ tác phẩm của Khuất Nguyên vào kho tàng văn hóa của nhân loại.
Và, đúng như những gì Khuất Nguyên đã tiên cảm và dự đoán, năm 278 (tr.CN), đại binh Tần đã thâu tóm nước Sở yêu thương của Khuất Nguyên. Quân thù đã tàn phá tan hoang đất nước của ông và đày đọa nhân dân ông đến chỗ lầm than điêu đứng. Ở chốn lưu đày, ông thét lên trong niềm phẫn uất đớn đau và tuyệt vọng. Và Khuất Nguyên đã mượn sông Mịch La để nước cuốn đời ông đi,…
Ngày nay, sông Mịch La thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Cho rằng ngày Khuất Nguyên lao mình xuống sông ấy là ngày mồng 5 tháng 5 (âm lịch), nên hằng năm cứ đến ngày này là người dân Trung Quốc lại tưởng nhớ ông và bơi thuyền ra sông ném bánh xuống với lòng tin giao long thủy quái sẽ ăn bánh đó để không rỉa xác ông. Dần dần ngày này trở thành lệ thường hằng năm. Người Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống, mang theo tín ngưỡng tôn thờ Khuất Nguyên và trong quá trình chung sống, văn hóa tín ngưỡng ấy lây sang người Việt. Tuy rằng, người Hoa có nghi lễ và đồ cúng khác người Việt và ngay người Việt ở mỗi vùng miền cũng có cách cúng khác nhau, song trong tâm thức mọi người thì đây là cúng Tết Đoan Ngọ, chứ chưa chắc ai cũng biết đến Khuất Nguyên./.
Quang Hảo