Tiếng Việt | English

15/06/2024 - 14:52

Thủ tướng họp bàn tháo gỡ khó khăn ngành vật liệu xây dựng, kết nối trực tuyến 32 điểm

Cần tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng để nhận diện các khó khăn nhằm có giải pháp tháo gỡ.

Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng - Ảnh: VGP

Sáng 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Sự kiện được kết nối 32 điểm cầu địa phương, đại diện các hiệp hội và doanh nhiệp, ngân hàng. 

Nhận diện khó khăn để tháo gỡ

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn...

Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Đánh giá ngành thép và xi măng, vật liệu xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực, song Thủ tướng đánh giá do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm.

Trong đó, tổng sản lượng sản xuất xi măng, clinker cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.

Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).

Trước những khó khăn kéo dài, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các ý kiến tại hội nghị đánh giá, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp. Mục tiêu nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các vật liệu trên, đẩy mạnh cung cấp cho các dự án. 

Ông cũng lưu ý các ý kiến trao đổi với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm. Tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Nhận diện các thách thức, như về sản xuất, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, tài chính. 

Từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Đẩy nhanh công trình dự án để tiêu thụ sản phẩm

Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỉ viên gạch đất sét nung, 12 tỉ viên gạch không nung. 

Ngành có tổng doanh thu (chưa gồm thép xây dựng) khoảng 600.000 tỉ đồng (tương đương 24 tỉ USD), chiếm 6% GDP. 

Thời gian qua nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước suy giảm do tốc độ đầu tư xây dựng trong nước giảm sút, nhiều công trình, dự án hạ tầng và nhà ở chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ. Chi phí cước vận tải tăng làm tăng giá bán vật liệu xây dựng, cộng thêm thị trường nhập ngoại tăng tác động đến thị trường. 

Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị giải pháp là đẩy mạnh đầu tư công, kết cấu hạ tầng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở, tăng cường triển khai xây dựng đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội;

Tăng sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép với dự án đường bộ cao tốc, sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng, sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng các công trình giao thông... 

Sớm đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-New Zealand đạt mục tiêu 3 tỷ USD

 

Sớm đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-New Zealand đạt mục tiêu 3 tỷ USD 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Việt Nam-New Zealand tăng cường các biện pháp nhằm sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 3 tỷ USD, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao.

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp cải tạo công nghệ, thiết bị, sử dụng triệt để nhiệt dư, rác thải để thay thế nguyên liệu đốt nhằm hạ giá thành; đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; 

Tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước, tiết giảm chi phí, tìm kiếm mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn về tài chính, cơ cấu nợ và các khoản vay...

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-tuong-hop-ban-thao-go-kho-khan-nganh-vat-lieu-xay-dung-ket-noi-truc-tuyen-32-diem-20240615105840586.htm?gidzl=VNyjJZH6j4rnOYv9F52nINLhBKydLBL5FpWf5oO7iXLhFIyMTWQp4MWuV4Pr0E0GEMujGJ1y2gipC42_IG

Chia sẻ bài viết