Tiếng Việt | English

09/11/2020 - 10:54

Trang bị cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ trên không gian mạng

Sáng 9/11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV bước vào ngày chất vấn thứ 2. Các Bộ trưởng tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐBQH tại nghị trường.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Đoàn Nghệ An) về việc ban hành nội quy ứng xử trên không gian mạng và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã lồng ghép trong Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nội dung bảo vệ trẻ em được đại biểu quan tâm.

Giáo dục trẻ em chủ động bảo vệ mình trên không gian mạng

Cụ thể, Bộ quy tắc ứng xử yêu cầu người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em. “Chúng tôi yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ em trẻ tương tác sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2022”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 4/2020, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã đồng ý về nội dung, đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tư vấn thêm về thẩm quyền ban hành. 

“Trong đợt này, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020 Bộ quy tắc sẽ được thực thi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. 

Bên cạnh đó, Đề án bảo vệ và hỗ trợ em trẻ tương tác sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng cũng đưa ra những giải pháp cơ bản, như tạo một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận những phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm và chủ động ngăn chặn các hành vi, nội dung xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Đồng thời, trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng và kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ độc hại trên môi trường mạng. Hiện nay, Đề án này đã được trình Chính phủ và sẽ được ký trong năm 2020.

Sẽ phủ sóng 3G-5G các vùng sâu, vùng xa

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) liên quan đến chuyển đổi số cho người dân miền núi. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, trong đề án chuyển đổi số Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chuyển đổi số cho vùng sâu vùng xa được ưu tiên: “Với chuyển đổi số, các vùng càng khó khăn, chuyển đổi số đang phát huy hiệu quả. Do vậy, chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ các vùng khó. Thứ nhất về hạ tầng viễn thông, Bộ đã chỉ đạo phải phủ sóng để tất cả bà con vùng miền núi, vùng sâu vùng xa phải có 3G đến 5G để truy cập Internet”. 

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho thí điểm để cho bà con vùng sâu vùng xa không có thẻ ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử. Giải quyết khó khăn khi người dân vùng sâu vùng xa không có điện thoại thông minh, hiện đã có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất Việt Nam với nhà mạng Việt Nam để hỗ trợ bán điện thoại thông minh với giá 600.0000-700.000 đồng. 

“Trong chuyển đổi số cho bà con miền núi, ưu tiên đầu tiên là y tế, giáo dục, đặc biệt giáo dục trực tuyến, để con em vùng sâu vùng xa tiếp cận các bài giảng chất lượng cao. Về y tế, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai để giải quyết vấn đề thiếu bác sĩ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, hiện nay sàn giao dịch thương mại điện tử, để bà con vùng sâu vùng xa có thể bán được sản phẩm, sản xuất đã sẵn sàng, giúp bán được với giá cao. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thí điểm một số xã thông minh ở vùng sâu vùng xa và đến cuối năm 2020, sẽ sơ kết triển khai xã thông minh và triển khai diện rộng và đồng bộ./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết