Rau củ có vai trò đặc biệt quan trọng trong chế độ ăn uống hàng ngày. Rau xanh cung cấp cho con bạn năng lượng, vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ và nước.
Tuy lượng protid và lipid trong rau tươi không đáng kể, nhưng chúng cung cấp cho cơ thể nhiều chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là các muối khoáng có tính kiềm, các vitamin, các chất pectin và axit hữu cơ cần thiết cho cơ thể.
Một chế độ ăn uống lành mạnh có nghĩa là ăn nhiều rau cộng với các loại thực phẩm từ các nhóm thực phẩm chính khác. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Thực tế nhiều trẻ nhỏ, thậm chí trẻ lớn hơn cũng đều thích ăn món chế biến sẵn nhưng nhìn vào chế độ ăn đó thì thấy thiếu cân đối, thiếu rau xanh, quả chín, mà chủ yếu là chất đường bột".
Hướng dẫn chế độ ăn uống của Australia khuyến nghị trẻ em ở độ tuổi:
1-2 tuổi nên có 2-3 khẩu phần rau mỗi ngày
2-3 tuổi nên ăn 2½ khẩu phần rau mỗi ngày
4-8 tuổi nên ăn 4½ khẩu phần rau mỗi ngày.
|
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, hiện nay, trẻ ăn rau xanh, quả chín chỉ đáp ứng được 50% khuyến nghị. Nguyên nhân cũng do mẹ cho trẻ ăn chưa đúng cách, ít cho ăn rau, quả, trong khi 1 ngày trẻ cần được ăn 2 lần quả chín.
Dưới đây là một số cách khuyến khích trẻ ăn rau hàng ngày, bạn nên thực hiện những việc này thường xuyên và liên tục từ khi con còn nhỏ để tạo thói quen tốt:
1. Cung cấp nhiều loại thực phẩm từ khi còn nhỏ
Trẻ em nói rằng chúng không thích một số loại rau khi lần đầu tiên nếm thử là điều bình thường. Điều quan trọng là cho trẻ tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm bắt đầu từ khi còn nhỏ (khi trẻ được 6 tháng tuổi).
Việc tiếp tục tiếp xúc với đa dạng các loại thực phẩm, ngay cả khi trẻ có vẻ không thích chúng, sẽ giúp phát triển mối quan hệ tích cực, lâu dài hơn với việc ăn tất cả các loại thực phẩm với hương vị khác nhau.
2. Cho trẻ ăn trái cây và rau trong mỗi bữa ăn
Thông thường, khi trẻ không thích ăn rau, cha mẹ sẽ không cung cấp rau cho trẻ. Nhưng đó là một sai lầm. Bạn cần cung cấp rau xanh cho trẻ trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Mỗi bữa ăn nên cho một vài loại trái cây và/hoặc rau củ vào đĩa. Bạn cũng có thể thêm rau vào các món ăn nhẹ của bé.
Nếu trẻ không ăn thì cũng không nên ép hay quát mắng trẻ. Trong bữa ăn tới, bạn vẫn tiếp tục cung cấp các lựa chọn rau và trái cây vào thực đơn. Lặp lại quá trình này nhiều lần và có thể thay đổi cách chế biến để trẻ thử các vị khác nhau.
Trẻ em phải tiếp xúc nhiều lần để học cách thích một loại thức ăn.
3. Cha mẹ nên làm gương cho việc ăn uống lành mạnh
Vai trò gương mẫu tích cực của cha mẹ là rất lớn trong việc khiến trẻ ăn. Nếu bạn không ăn các loại thực phẩm, bạn không bao giờ có thể mong đợi con bạn ăn chúng. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ có thể kén chọn và không thích rau.
Bạn cần thể hiện tốt và nêu gương về cách ăn uống lành mạnh cho con bạn. Con bạn học cách lựa chọn thức ăn từ bạn, vì vậy cách tốt nhất để khuyến khích con bạn ăn rau là để con bạn nhìn thấy bạn ăn và thưởng thức chúng.
4. Bắt đầu với những phần nhỏ với trẻ lười ăn rau
Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, việc thử các loại thực phẩm mới có thể là quá sức. Nếu gia đình đang ăn bông cải xanh, hãy đặt một miếng vào đĩa của con bạn. Khi trẻ ăn hết, bạn có thể cho bé ăn nhiều hơn nếu bé muốn.
Nếu con bạn không thích một loại rau cụ thể nào đó, hãy thử cung cấp một lượng nhỏ loại rau đó cùng với một loại thực phẩm lành mạnh khác mà con bạn thích. Ngoài ra, hãy tiếp tục khuyến khích con bạn thử và nếm thử các loại rau.
5. Dùng lời khen khi con bạn ăn thử các loại rau củ
Nếu bạn khen ngợi trẻ mỗi khi con ăn hoặc thử ăn rau, trẻ sẽ có nhiều hứng thú ăn rau trở lại. Khen ngợi có hiệu quả nhất khi bạn nói với con mình chính xác những gì chúng đã làm tốt.
Tuy nhiên, hãy cố gắng đừng để lời khen ngợi trở thành tâm điểm của bữa ăn. Mục đích của bạn là khuyến khích trẻ ăn rau vì trẻ thích chúng chứ không phải vì trẻ muốn bạn khen và thưởng.
Tạo sự hứng khởi và không khí vui vẻ trong mỗi bữa ăn sẽ khiến trẻ không sợ ăn rau.
6. Tạo sự hứng khởi và không khí vui vẻ
Cố gắng chọn các loại rau có hình dạng, màu sắc, kết cấu và mùi vị khác nhau - càng nhiều loại thì con bạn càng có khả năng tìm thấy thứ mà chúng thích ăn. Nếu bạn phục vụ các loại rau mới cùng với thức ăn mà con bạn thích, bé sẽ có xu hướng ăn các món yêu thích cùng với rau mà không phàn nàn gì.
Hãy nhớ rằng hương vị quan trọng. Ví dụ, bạn có thể thử nướng rau củ với thảo mộc tươi và nước cốt chanh hoặc dùng bông cải xanh thái nhỏ để xào hoặc nướng trên bánh pizza. Món này có thể sẽ hấp dẫn con bạn hơn là những miếng rau hấp được bày trên đĩa.
7. Cho bé thử tự chế biến đồ ăn
Với các bé độ tuổi mầm non, bạn cũng có thể cho con vui chơi với việc tạo hình các loại rau củ thành các con vật dễ thương. Hoặc bạn có thể cho bé tự tay cắt rau, rửa rau và chế biến một số món hay trang trí mặt rau củ cho đĩa đồ ăn nhanh - cà rốt nạo làm tóc, cà chua bi làm mắt, đậu làm mũi và ớt chuông làm miệng.
PGS. Nguyễn Thị Lâm lưu ý các bậc cha mẹ, nhiều trẻ đi học được cô hướng dẫn cho ăn rau tốt, cha mẹ cần phối hợp, có thể nấu canh giống nhà trường thì trẻ sẽ ăn. Cần kết hợp nhà trường gia đình giáo dục dinh dưỡng từ thuở ấu thơ thì lớn lên sẽ có chế độ ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe./.
Theo SK&ĐS