Tiếng Việt | English

06/05/2022 - 08:32

Trường Sa ngày trở lại!

Những ngày cuối tháng tư, trong không khí kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn công tác của tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng đoàn ra thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.

Trong chuyến hải trình từ ngày 26/4 đến 03/5/2022, trên chuyến tàu KN 490 vượt hơn 960 hải lý đi từ cảng Cam Ranh đến quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và trở về đã để lại trong lòng mỗi thành viên của đoàn một cảm xúc thiêng liêng, tự hào. Hình ảnh về quần đảo thiêng liêng, thân yêu của Tổ quốc, các chiến sĩ hải quân vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người.

Đoàn thăm đảo Sinh Tồn

Sau hơn một ngày, hai đêm vượt biển, Đoàn công tác đến đảo Sinh Tồn, cách vịnh Cam Ranh 315 hải lý. Đảo Sinh Tồn nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, là một trong ba xã, thị trấn huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo còn có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh: Nhà văn hóa, chùa, trạm khí tượng - thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng - thủy văn quốc gia và thế giới. Trên đảo không có giếng nước ngọt. Cây xanh chủ yếu là cây bão táp, phong ba, bàng vuông, dừa và mù u,... được trồng để chắn sóng. Quân và dân trên đảo trồng thêm rau xanh, nuôi một ít gia súc, gia cầm để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Đến với đảo Sinh Tồn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải cùng đại diện lãnh đạo một số tỉnh tham gia cùng Đoàn số 5 đã thăm hỏi, động viên các chiến sĩ, nhân dân đang làm việc và sinh sống trên đảo. Riêng Đoàn Long An tặng quà và nhiều vật phẩm cho CBCS và người dân trên đảo, với tổng giá trị trên 50 triệu đồng.

Đoàn Long An đến thăm đảo chìm Cô Lin

Sau 11 năm kể từ ngày đầu tiên tôi được ra thăm quần đảo Trường Sa, đến nay, đời sống của CBCS và người dân trên đảo được cải thiện rõ rệt dẫu cuộc sống, sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi thực sự khâm phục tinh thần trách nhiệm, tình yêu của người lính hải quân đối với mỗi hòn đảo. Giữa nắng gió biển khơi, giữa mênh mông sóng nước, người chiến sĩ vẫn ngày đêm canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến thăm đảo Sinh Tồn, đoàn chúng tôi còn được mời tham dự Lễ míttinh kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2022). Trong buổi míttinh trọng thể này, truyền thống vẻ vang, hào hùng của quân chủng Hải quân được ôn lại, nhắc nhớ về tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của hải quân để giải phóng quần đảo Trường Sa 47 năm về trước.

Lễ míttinh kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa

Rời đảo Sinh Tồn, đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà CBCS đang làm nhiệm vụ trên đảo Cô Lin. Với vị trí tiền tiêu, đảo đá chìm Cô Lin hợp cùng các đảo khác của quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, là lá chắn vòng ngoài, bảo vệ biển, bảo vệ phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ.

Trên đường đến đảo Cô Lin, đi ngang qua vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, nơi đây vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam vì chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, đoàn dừng lại long trọng tổ chức lễ tưởng niệm và truy điệu các liệt sĩ. Tháng 3/1988, tàu HQ-604 bị tàu chiến nước ngoài tấn công, 64 chiến sĩ hải quân và công binh đã anh dũng hy sinh. Quên sao được hình ảnh Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh mà tay vẫn giữ lá cờ Tổ quốc, đồng chí hô vang: “Không được lùi bước. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ của Tổ quốc,... Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”. Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được tổ chức thành kính, trang nghiêm trên boong tàu KN-490. Đại tá Ngô Văn Thành - Quân chủng Hải quân, xúc động đọc diễn văn tưởng niệm trong bầu không khí tĩnh lặng. Và, những giọt nước mắt đã rơi,... Những người con anh hùng của đất nước đã vĩnh viễn nằm lại với biển cả mênh mông, rộng lớn và sâu thẳm. Giữa biển cả mênh mông này, chúng tôi càng thấu hiểu sự hy sinh đó lớn lao đến nhường nào! Vì thế, “bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, mệnh lệnh trái tim của người lính”.

Lễ viếng 64 chiến sĩ hy sinh

Có trải nghiệm trong chuyến công tác ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi mới hiểu rõ hơn chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay không chỉ từ lịch sử của những văn bia, tài liệu rõ ràng mà còn là những cột mốc vững chắc chứa đựng thông điệp về chủ quyền hợp pháp, không thể tranh chấp trên biển Đông. Có trải nghiệm qua những chuyến đi, tôi mới thấy suy nghĩ mình lớn hơn, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Hình ảnh người chiến sĩ hải quân đối với tôi không chỉ đẹp mà còn là biểu tượng của sự kiên trung, ý chí sắt đá, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió. Những người luôn sẵn sàng xả thân để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc!./.

Lê Tài

Chia sẻ bài viết