Tiếng Việt | English

09/11/2022 - 09:08

Vùng biên nghèo khởi sắc dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng (Bài 1)

Đứng trước muôn vàn khó khăn, huyện Đức Huệ xác định xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng làm nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, nhiều giải pháp, chương trình mang tính đột phá được triển khai. Dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng, vùng biên nghèo dần khởi sắc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.

Bài 1: Đi lên từ gian khó

Đức Huệ là huyện biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Long An. Trải qua các cuộc đấu tranh gian khổ nhưng người dân nơi đây vẫn đoàn kết, tiên phong đứng trên tuyến đầu canh giữ biên cương, lãnh thổ. Ngược dòng lịch sử để thấy những nỗ lực vươn lên của vùng đất và người dân Đức Huệ anh hùng.

1. Huyện Đức Huệ được thành lập vào năm 1963. Đây là một trong những địa phương được giải phóng đi, giải phóng lại nhiều lần ở miền Nam. Đức Huệ thuộc rìa phía Đông Bắc Đồng Tháp Mười, nằm giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ nên địa hình không bằng phẳng như khu vực đồng bằng. Là khu vực tiếp giáp Vương quốc Campuchia vốn khắc nghiệt, không được thiên nhiên ưu đãi cùng với đặc điểm dân cư, kết cấu hạ tầng còn yếu kém,... nên Đức Huệ được xem là huyện nghèo trọng điểm của tỉnh.

Trước đây, kết cấu hạ tầng của huyện còn yếu kém

Trong ký ức của người dân địa phương, vào những năm đầu thành lập huyện, Đức Huệ gắn với bộn bề gian khó. Đường sá đi lại hầu như không có gì ngoài đường huyện từ Mỹ Thạnh Đông đến xã Mỹ Quý Tây đứt đoạn, phương tiện không lưu thông được. Đường bộ đến các xã hoàn toàn không có nên việc giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Là huyện thuần nông nên thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng lũ lụt, thiên tai diễn ra liên tiếp, đất đai không thuận lợi nên người dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm, năng suất thấp. Phần lớn người dân ngoài trồng lúa còn mưu sinh bằng nghề khai thác sản vật từ thiên nhiên như đánh bắt cá, cắt đưng, nhổ bàng,... để bán đổi lấy lương thực. Hơn 90% người dân phải sống trong cảnh nghèo, đói, thất nghiệp, thất học.

Ông Phan Văn Phỉ (ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) nhớ lại: “Trước đây, đường sá không được như bây giờ. Mỗi lần muốn đến trung tâm huyện, tôi chỉ có cách đi bộ nhưng đường đi cũng rất vất vả. Người dân muốn về tỉnh phải đi xe đò, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến. Trạm y tế còn tạm bợ, thiếu thốn, chỉ có vài loại thuốc. Học sinh vùng sâu, biên giới học cấp 3 phải ở nhờ nhà người thân hoặc ở trọ”.

2. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Huyện ủy Đức Huệ có 12 đồng chí; đồng chí Lê Phương (Tám Đã) làm bí thư. Đây là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và phát triển huyện. Dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng, chính quyền tổ chức cho người dân tham gia nhiều phong trào như khôi phục ruộng, vườn, xóa nạn đói, nạn mù chữ.

Phát huy truyền thống cách mạng, huyện tập trung công tác vận động quần chúng, từng bước xây dựng Đức Huệ ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm công tác sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Huyện huy động mọi nguồn lực để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân

Những thành công ở các nhiệm kỳ qua là bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của huyện. “Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, huyện có nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện xác định một trong những mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế tạo bước đột phá để huyện Đức Huệ tăng trưởng nhanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; phấn đấu trở thành huyện phát triển trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; đồng thời, huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra” - Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong thông tin.

Trải qua những cuộc chiến tranh, nạn lũ lụt lớn, thiếu đói lương thực, đời sống vô cùng khó khăn nhưng người dân Đức Huệ vẫn đoàn kết một lòng, không ngại gian khó. Chính tinh thần ấy đã thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện chung sức, đồng lòng khẩn trương thực hiện các chủ trương, giải pháp đột phá. Từ đó, củng cố hệ thống chính trị, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân./.

(còn tiếp)

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

---------------------------------------------

*Bài viết dựa trên sách Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Huệ - 40 năm xây dựng và phát triển (1975-2015)

Chia sẻ bài viết