Tiếng Việt | English

10/11/2022 - 10:15

Vùng biên nghèo khởi sắc dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng (Bài 2)

Đứng trước muôn vàn khó khăn, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An xác định xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng làm nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, nhiều giải pháp, chương trình mang tính đột phá được triển khai. Dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng, vùng biên nghèo dần khởi sắc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.

Bài 2: Xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”

Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Huệ xác định củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ (CB) “vừa hồng, vừa chuyên”, tăng cường CB huyện về xã là các giải pháp chiến lược trước mắt và lâu dài. Nhờ đó, tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng dần nâng lên. CB, đảng viên (ĐV) bám địa bàn, đưa ra các giải pháp phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài

Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong nhận định: “Đội ngũ CB của huyện hầu hết đều trẻ, đạt chuẩn về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu phù hợp. CB sau khi được đào tạo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới”.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng góp phần giúp các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng lãnh, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các quy định của Đảng về nêu gương của CBĐV. Hàng năm, huyện tập trung xây dựng và triển khai nội dung chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của mỗi CBĐV, nhất là CB chủ chốt. Mỗi cá nhân nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diến biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Các đồng chí đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị luôn nêu gương, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, nói đi đôi với làm, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển KT-XH của huyện. Điển hình là Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Đông - Thi Hữu Giàu. Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, đồng chí luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đi đôi đó, đồng chí bám sát cơ sở, luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, đưa ra các giải pháp nâng cao đời sống người dân cũng như nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Tạo "luồng sinh khí" mới

Nhằm giúp CB rèn luyện, trưởng thành và bổ sung nguồn lực chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu thực thi nhiệm vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường CB thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý về giữ các vị trí chủ chốt cấp xã, thị trấn. Đây là lực lượng được đào tạo bài bản, có phẩm chất đạo đức cách mạng và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhờ đó, tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên, tạo "luồng sinh khí" mới trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đơn cử như nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy - Tống Văn Diên được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam. Đồng chí Thi Hữu Giàu - nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Đông. Hay đồng chí Đặng Văn Thức - nguyên Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện, được điều động về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thị trấn Đông Thành,... Trên cương vị mới, các đồng chí luôn gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ và đưa ra nhiều giải pháp đột phá tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Công trình bêtông hóa tuyến đường Thủ Tính, ấp 1, xã Bình Hòa Nam đang được thi công

Phát huy vai trò “đầu tàu”, đồng chí Tống Văn Diên chủ động bàn bạc cùng tập thể lãnh đạo rà soát, bổ sung quy chế làm việc; tiếp tục chấn chỉnh lề lối, tác phong của CB xã. Đồng chí Tống Văn Diên cho biết: “Là người đứng đầu đơn vị, ngoài thực hiện tốt việc nêu gương trong triển khai, tổ chức thực hiện các quy định, nghị quyết của Đảng, nghiêm túc trong chỉ đạo, điều hành thì phải sâu sát thực tế, gần dân để nghe dân nói và nói dân hiểu thì mọi việc sẽ thành công”. Thực hiện quan điểm này, đồng chí luôn bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để đưa ra những giải pháp phù hợp. Những nỗ lực của đồng chí Tống Văn Diên đã được CBĐV, người dân trong xã ghi nhận, đánh giá cao.

Có mặt tại công trình trọng điểm (bêtông hóa tuyến đường Thủ Tính, ấp 1) của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bình Hòa Nam nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi nhận thấy người dân rất vui mừng. Được biết, công trình có tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp khoảng 1,2 tỉ đồng. Anh Đinh Viết Tâm (ấp 1, xã Bình Hoà Nam) chia sẻ: “Trước khi thực hiện công trình này, lãnh đạo xã tổ chức họp dân để lấy ý kiến, gia đình tôi và các hộ dân trên tuyến đường này đều đồng tình hiến đất để thực hiện chủ trương của Nhà nước. Tôi thấy lãnh đạo xã rất gần gũi và quan tâm đời sống người dân, thường xuyên tổ chức đối thoại với dân để lắng nghe nguyện vọng, khó khăn của người dân”.

Xã Bình Hòa Nam chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây rau má

Đến xã Bình Hòa Nam những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê vốn nhiều khó khăn. Những con đường bêtông, công trình phúc lợi được xây dựng cùng nhiều mô hình kinh tế hợp tác cho thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,2 triệu đồng/năm; hộ nghèo chỉ còn 0,8%.

Mặt khác, xã Bình Hòa Nam chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây chanh và cây rau má. Đây là chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện toàn xã có trên 1.800ha chanh, trong đó có 1.226ha trong vùng chuyên canh, lợi nhuận bình quân 150 triệu đồng/ha/năm và 60ha rau má, trong đó có 12ha nằm trong vùng chuyên canh, lợi nhuận 100 triệu đồng/ha/năm.

Việc xây dựng đội ngũ CB tâm huyết, trách nhiệm, đủ đức, đủ tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Hầu hết CB qua điều động, luân chuyển có bước trưởng thành, tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn, quan điểm nhìn nhận và đánh giá toàn diện, sát thực tế hơn, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh./.

Đảng bộ huyện Đức Huệ có 25 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 11 tổ chức cơ sở Đảng xã, thị trấn; 14 tổ chức cơ sở Đảng khối cơ quan; có 144 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Toàn Đảng bộ có trên 2.340 đảng viên.

(còn tiếp)

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Bài 3: Tạo đột phá phát triển kinh tế

Chia sẻ bài viết