Tiếng Việt | English

22/09/2018 - 11:00

Tự chủ trong Giáo dục Nghề nghiệp: Thực tiễn và kinh nghiệm thế giới

Cơ quan chức năng đã xác định 3 giải pháp đột phá, trong đó trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là quan trọng.

Chúng ta có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao phủ cả nước nhưng còn thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, doanh nghiệp còn gặp khó trong tuyển dụng... Vì thế, đổi mới giáo dục nghề nghiệp là cần thiết.

(Ảnh minh họa: Đại Đoàn Kết)

Cơ quan chức năng đã xác định 3 giải pháp đột phá, trong đó trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là quan trọng. Tuy nhiên, tự chủ như thế nào là hợp lý trong bối cảnh đời sống, kinh tế, xã hội đất nước và nội lực thực tiễn của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phải là chuyện dễ.

Cả nước ta hiện có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số đó, hơn 1.500 trường trung cấp, cao đẳng nghề thuộc diện công lập. Có 3 trường đã và đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ là Cao đẳng Kỹ nghệ 2 Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Lilama 2 Đồng Nai và Cao đẳng Bình Định.

Sau 1 thời gian thí điểm, các trường này có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tìm đến hợp tác nhiều hơn.

Tự chủ đã được Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhận thức xu hướng thực tiễn này, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp như Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội khẳng định “trường sẵn sàng tự chủ toàn phần nếu được cơ quan quản lý cấp phép.
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội khẳng định: muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và vẫn phải có đầu tư và định hướng của nhà nước.
Bởi việc đào tạo vẫn phải đảm bảo nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội. Bất cập trong tự chủ là các cơ sở đào tạo đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý thực hiện. Vì vậy, cần sớm có những chính sách, cơ chế chung để tránh tình trạng các trường “vừa tự chủ vừa lo”.

Nhận biết băn khoăn này của các trường nghề, ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng khẳng định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định được hi vọng là bước đột phá với cơ chế thông thoáng, thuận lợi, xóa bỏ lo ngại của các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tự chủ. Tuy nhiên, việc cải tổ hoàn toàn theo xu hướng này, trong bối cảnh thực tế ở nước ta không thể nói là làm ngay mà cần thực hiện từng bước – có lộ trình.

Ông Trương Anh Dũng nói: “Thực tiễn hiện nay, nhiều cơ sở muốn tự chủ để phát huy tính năng động và thay đổi 2 vấn đề lớn là không phải phụ thuộc vào cơ quan quản lý trong chuyên môn và tài chính.
Tư tưởng là chúng tôi khuyến khích các trường tự chủ nhưng trước hết phải rạch ròi chuyên môn với tự chủ tài chính. Nhưng bàn về đơn vị công lập chúng ta khuyến khích tự chủ chuyên môn còn nhân sự và tài chính phải tính thêm vì chúng ta là 1 thế chế thống nhất phải theo quy định Nhà nước”.

Trong khi các chuyên gia trong nước và dư luận còn nhiều ý kiến cho rằng tự chủ toàn phần chưa phù hợp với các trường thuộc diện công lập, thì chuyên gia Quản lý Chương trình về Phát triển Con người và lao động, việc làm của Ngân hàng Thế giới tại Việt nam, bà Keiko Inoue cho rằng: “Hãy tăng cường cơ chế tự chủ. Quan trọng, gắn kèm với tự chủ phải là cơ chế giải trình và chúng tôi cũng đề xuất khái niệm là cấp tài chính dựa trên hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
Trong Hội thảo “Giáo dục Nghề nghiệp tại Việt Nam: các nhận định và khuyến nghị cho mục tiêu tăng cường tự chủ” do Ngân hàng thế giới và Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức mới đây, ông Pablo Ariel Acosta – Chuyên gia cao cấp các vấn đề kinh tế, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng: “Tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp là tương đối phù hợp trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam. Quan trọng là chính phủ sớm có những chủ trương, chính sách hợp lý hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ”.

Ông Pablo Ariel Acosta nói: “Thuận lợi là chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận thức được những bất cập này và đang dự thảo Nghị định cải cách cơ chế tự chủ để tăng cường cơ chế này ví dụ cách thức làm sao để tăng cường hiệu quả trong chi tiêu và đảm bảo hoạt động của hệ thống giáo dục gắn kết với kết quả đầu ra. Và quan trọng là cần có 1 khung trình độ quốc gia tốt để đảm bảo sinh viên, học sinh và doanh nghiệp tin tưởng rằng họ có thể đào tạo được những người lao động có chất lượng cao”.
Thực tế, có rất nhiều vấn đề phải xem xét, tính toán trước khi quyết định tự chủ hoặc cấp phép tự chủ đối với các trường nghề thuộc hệ thống công lập, không đơn thuần chỉ là tài chính, nhân lực.

Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia quốc tế chính là cơ sở khoa học quan trọng để không chỉ hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý và Chính phủ cần nghiên cứu, tính toán để sớm đưa ra các giải pháp phù hợp, tiến tới hiện thực hóa tự chủ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp - như mong mỏi của nhiều lãnh đạo trường nghề và tránh để hoạt động giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tụt hậu so với xu thế chung./.

Trang Linh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết