Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với đồng bào dân tộc tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hoá, tháng 1/2010). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Khắc ghi lời dặn dò của Tổng Bí thư, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân nhiều địa phương đã luôn nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Chăm lo cho ngư dân bám biển
Bồi hồi về những kỷ niệm, lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phan Khánh Lâm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi (trước đây thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết năm 2012, Tổng Bí thư về thăm, chúc Tết, cán bộ, nhân dân Tịnh Kỳ ai cũng rất vui mừng phấn khởi.
Lúc đó với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã, ông được tháp tùng Tổng Bí thư đi thực tế. Tổng Bí thư rất bình dị, gần gũi, lắng nghe chính quyền địa phương báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm đập tràn, Nhà máy thuỷ điện sông Ba Hạ (Phú Yên, 30/1/2010). (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn các cán bộ ở cơ sở cần phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chăm lo xây dựng đời sống của bà con, nhất là ngư dân vùng biển. Phải thường xuyên động viên nhân dân vươn khơi đánh bắt hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tổng Bí thư lưu ý chính quyền địa phương, muốn xóa đói, giảm nghèo phải chuyển đổi lao động, tạo ngành nghề phù hợp với phát triển kinh tế thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển.Sau lần Tổng Bí thư về thăm, Đảng ủy xã Tịnh Kỳ đã tập trung xây dựng hệ thống chính trị, gần dân, nắm bắt tình hình tư tưởng, nhất là đời sống ngư dân.
Chính quyền làm cầu nối tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn sắm sửa mua ngư lưới cụ vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ngư dân Đoàn Đốn, thôn An Vĩnh, chủ tàu QNg 91396 TS công suất 505cv nhiều năm liền là ngư dân sản xuất giỏi của xã Tịnh Kỳ. Ông Đốn chia sẻ năm 2012 khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về địa phương thăm chúc Tết, các ngư dân đã gác lại công việc gia đình để đón Tổng Bí thư. Những lời căn dặn của Tổng Bí thư khi nói chuyện với chính quyền địa phương, chăm lo nhân dân, nhất là ngư dân vùng biển, ông Đốn vẫn còn nhớ rõ.
Tàu của gia đình ông Đốn làm nghề vây rút ở ngư trường Hoàng Sa, giải quyết việc làm cho 25 ngư dân địa phương. “Ngư dân Tịnh Kỳ vốn đã nhiều đời gắn với biển, những lời căn dặn của Tổng Bí thư đã tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân. Chúng tôi luôn tâm niệm còn sức khỏe sẽ còn vươn khơi bám biển sản xuất, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc,” ông Đốn nhấn mạnh.
Sâu sát với nhà nông
Từ năm 2010-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 2 lần đến thăm và làm việc tại Bến Tre; luôn quan tâm, dành nhiều tình cảm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân quê hương Đồng Khởi.
Mấy ngày qua, hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Võ Văn Nhu, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre không khỏi bùi ngùi, đau xót. Nhớ lại thời điểm cách đây hơn tám năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi khảo sát ruộng lúa tại Bến Tre bị ảnh hưởng do hạn, mặn.
Sự giản dị, gần gũi của Tổng Bí thư khi đến thăm cuộc sống của người dân ở các thôn bản. (Ảnh:Trí Dũng/TTXVN)
Được lãnh đạo xã thông báo Tổng Bí thư ghé thăm trao đổi cùng bà con, ông Nhu rất lo lắng vì chưa bao giờ gặp được lãnh đạo cấp cao, chen vào đó là thoáng chút ngại ngùng vì đang trong trang phục đi làm ruộng.
Tuy nhiên sự gần gũi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi gặp bà con đã làm cho ông hết bỡ ngỡ. Ông nhớ đến từng chi tiết, câu nói trong buổi gặp gỡ đặc biệt ngày hôm ấy.
Ông nói: "Hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy khi bác Trọng từ trên xe bước xuống và đi về phía bờ ruộng là một dáng người hết sức bình dị, thân thương. Bác Trọng tươi cười và đưa tay vẫy chào chúng tôi, chúng tôi chào lại. Tổng Bí thư tiến đến ruộng quan sát và trực tiếp sờ tay vào cây lúa để xem. Sau đó bác Trọng trao đổi với người dân về tình ảnh hưởng hạn mặn, những khó khăn của người dân; động viên người dân. Tổng Bí thư động viên, tình hình bị hạn mặn do thiên tai, nông dân cùng với Nhà nước phải đồng lòng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Phía Đảng, Nhà nước cũng sẽ có các phương án hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân để ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, tiếp tục trồng trọt, sản xuất tốt hơn…"
Ông Mai Tấn Minh (66 tuổi) cũng kể hôm đó ông đang ở dưới ruộng, tay chân đang lấm lem bùn đất nhưng bác Nguyễn Phú Trọng không ngần ngại bắt tay ông. Điều đó làm ông Minh nhớ mãi về vị lãnh đạo cấp cao không ngại khó hay ngại khổ xuống tận ruộng để "mục sở thị" những khó khăn thiên tai mang đến, để từ đó chỉ đạo chính quyền địa phương có những thay đổi trong ứng phó hạn mặn. Giờ đây người dân xứ dừa đã chủ động ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất và trong đời sống.
Ông Minh tâm sự dù ở xa nhưng cứ mỗi lần tivi, báo đài đưa thông tin và hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các buổi làm việc hoặc chuyến công tác, ông xem rất kỹ bởi "thấy bác khỏe là mừng." Dù biết đó cũng là lẽ thường của cuộc đời nhưng nghe tin Tổng Bí thư từ trần, ông Minh vẫn thấy tiếc nuối.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo chia sẻ, ngày 17/3/2016, chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bến Tre có nội dung chủ yếu là nghe báo cáo tình hình triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; kiểm tra, thăm hỏi, động viên nhân dân bị ảnh hưởng hạn mặn; thăm xã nông thôn mới Hữu Định (Châu Thành) và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Khi bắt đầu đi khảo sát tại huyện Giồng Trôm, bất ngờ Tổng Bí thư quay lại nói: "Cậu lên xe đi chung với mình nhé!". Đây là tình huống ngoài dự kiến, làm ông Võ Thành Hạo hơi bối rối.
Dọc đường, Tổng Bí thư tiếp tục hỏi ông về tình hình đời sống bà con nhân dân, việc xây dựng quy chế Tỉnh ủy, mối quan hệ trong Thường trực; đặc biệt, cách làm việc trong điều kiện Bí thư Tỉnh ủy không là Ủy viên Trung ương có những khó khăn gì.
Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm tìm hiểu cách xây dựng chương trình hành động của Tỉnh ủy với 113 đầu việc; cho rằng đây là một cách làm sáng tạo.
Khi nghe báo cáo chủ trương của Tỉnh ủy về chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo làm giàu, Tổng Bí thư rất chăm chú lắng nghe. "Nghe xong, Tổng Bí thư hoan nghênh cách đặt vấn đề theo quan điểm đột phá, vươn lên của Bến Tre. Rõ ràng, không ai chối cãi, Đồng khởi là một dấu mốc lịch sử của cách mạng miền Nam, vinh quang lắm! Nhưng ta không thể đắm đuối với quá khứ mà no cơm ấm áo được. Phải kế thừa, phát huy sao cho dân hết khổ, hết nghèo, giàu lên kìa! Cái văn hóa, truyền thống hay không là ở chỗ này đấy!" ông Võ Thành Hạo kể lại.
Trong thời gian tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng Tổng Bí thư đã chỉ ra một bài học lớn trong phương pháp, phương châm lãnh đạo mà bản thân ông luôn cố gắng học tập, vận dụng trong công việc.
"Dù ở cương vị nào đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn là một người cán bộ kiên trung, nhà lãnh đạo hết lòng vì nước vì dân," ông Võ Thành Hạo xúc động nói./.
Theo Vietnam+