Tiếng Việt | English

07/11/2015 - 12:43

Các nghị sĩ châu Âu ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông

Phát biểu trong chuyến công tác tại Việt Nam, đoàn nghị sĩ châu Âu cho biết họ hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông dựa trên các nguyên tắc duy trì hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và bình đẳng giữa các quốc gia.

 

Các nghị sĩ châu Âu do ông Werner Langen (thứ ba từ phải sang) làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm Việt Nam từ 4-6/11.

Tuyên bố trên được Đoàn nghị sĩ từ Ủy ban quan hệ ASEAN thuộc Nghị viện châu Âu đưa ra sau chuyến thăm và công tác tại Việt Nam từ ngày 4-6/11.

Liên quan tới tình hình căng thẳng ở Biển Đông, Nghị sĩ Werner Langen, trưởng đoàn công tác, đã tái khẳng định lập trường kiên định của EU rằng tất cả các bên liên quan cần tìm kiếm các giải pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

“Tôi cho rằng Biển Đông không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia thành viên khác trong ASEAN. Tôi nhận thấy hiện có các cuộc trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc về các giải pháp cho vấn đề Biển Đông. EU ủng hộ đạt được giải quyết thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình”, ông Langen nói.

Trưởng đoàn nghị sĩ châu Âu lưu ý rằng hoạt động thương mại giữa EU và Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực phụ thuộc nhiều vào tự do hàng hải ở Biển Đông, do đó cần tiếp tục đảm bảo duy trì sự an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.

Ông Langen nhấn mạnh rằng nghị viện châu Âu ủng hộ quan điểm của Việt Nam. Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái đã nói rõ ủng hộ các giải pháp hòa bình. Đây có thể coi là một trong những bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực ASEAN.

Ủng hộ Mỹ tuần tra Biển Đông

Nghị sĩ Richard Ashworth, một thành viên trong đoàn công tác, thông tin thêm rằng Nghị viện châu Âu theo dõi tình hình Biển Đông với sự quan tâm lớn.

Ông Ashworth cho biết, trong các cuộc làm việc với giới chức Việt Nam, đoàn nghị sĩ châu Âu đã tìm hiểu các hướng tiếp cận của Việt Nam đối với các vấn đề Biển Đông và sẽ báo cáo lại với Nghị viện châu Âu về lập trường của Việt Nam. Đoàn hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Việt Nam, dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là:

Thứ nhất, các tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết thông qua các biện pháp đàm phán, hòa bình. Thứ hai, các biện pháp này phải dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ ba, luật pháp quốc tế phải được áp dụng với tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù yếu hay mạnh.

“EU hi vọng các việc giải quyết xung đột ở Biển Đông sẽ tạo tiền lệ cho việc giải quyết các tranh chấp tương tự khác trên thế giới và không để lại các hậu quả mà các bên không mong muốn. EU cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ các quốc gia khác trong đó có khối ASEAN và các nước liên quan trong khu vực để giải quyết vấn đề này”, ông Ashworth nói.

Theo ông Ashworth, Liên minh châu Âu coi trọng việc giải quyết các xung đột hiện nay ở Biển Đông. Các nghị sĩ châu Âu sẽ liên hệ và gây sức ép với phía chính phủ sở tại để các chính phủ châu Âu đưa vấn đề Biển Đông ra tại hội nghị G7.

Đề cập tới việc Mỹ cử các tàu tuần tra vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông, ông Ashworth cho biết nếu việc tuần tra này được thực hiện đúng theo luật pháp quốc tế thì EU hoàn toàn ủng hộ.

“Chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ nếu các cuộc tuần tra này đặt ra các nguyên tắc về thực thi luật quốc tế trong khu vực”, Nghị sĩ Ashworth nhấn mạnh.

Đẩy mạnh quan hệ Việt Nam-EU

EU đã phê chuẩn gói hỗ trợ 400 triệu Euro trong giai đoạn 2014-2020. Tân Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) Bruno Angelet cho hay gói hỗ trợ này sẽ dành 356 triệu USD để hỗ trợ phát triển năng lượng bền vững và điện khí hóa nông thôn Việt Nam, và 44 triệu USD còn lại được dùng để hỗ trợ cải cách tư pháp của Việt Nam.

Nghị sĩ Werner Langen cho hay EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh và phát triển các nguồn năng lượng bền vững.

Trong chuyến thăm Việt Nam, các nghị sĩ châu Âu cũng nhận thấy rằng Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, về địa lý, cảnh quan, có nhiều di sản được UNESCO công nhận và đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển du lịch bền vững. Các nghị sĩ châu Âu mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các công dân EU và Việt Nam và hi vọng sẽ có thêm nhiều du khách châu Âu tới Việt Nam, thay vì phần lớn tới Bali (Indonesia) hay Thái Lan như hiện nay./.

An Bình/dantri.com.vn

Chia sẻ bài viết