Tiếng Việt | English

26/01/2023 - 11:00

Đầu tư hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư và phát triển đô thị thông minh, hiện đại

Phương án phát triển không gian đô thị huyện Bến Lức đến năm 2030 sẽ theo mô hình mạng lưới đô thị, theo chuỗi đô thị vùng hành lang Quốc lộ 1, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại.

Vòng xoay nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương trên địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Lức

Vị trí cửa ngõ đặc biệt

Bến Lức có vị trí địa lý hết sức đặc biệt là cửa ngõ của cửa ngõ tỉnh Long An, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi TP.HCM và ngược lại. Bến Lức chỉ cách TP.Tân An 15km, cách TP.HCM 31km, hội tụ rất nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua như Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4,... kết nối rất thuận lợi giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước.

Hệ thống giao thông này là các trục đường vận tải huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp (K,CCN), các trung tâm logistics đến các Cảng hàng không Quốc tế - Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cảng biển trong vùng và Cảng Quốc tế Long An. Với lợi thế trên, Bến Lức trở thành huyện nằm trong vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh Long An với vai trò là đô thị trung tâm thuộc hành lang phát triển Bến Lức - Tân An, đồng thời là đô thị vệ tinh TP.HCM.

Theo định hướng quy hoạch, Bến Lức sẽ phát triển công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ tổng hợp cùng với các huyện: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An tạo thành cực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh.

Giao thông đường bộ - “xương sống” của nền kinh tế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phải đầu tư các công trình giao thông trọng điểm mang tính đột phá. Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được khẳng định “lộ thông, tài thông”, thật vậy, đây là 1 trong 3 giải pháp đột phá của tỉnh để triển khai Quy hoạch Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1934/KH-UBND, ngày 23/6/2021 của UBND tỉnh thực hiện các công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm, UBND huyện Bến Lức đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT,GPMB) nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Theo đó, Dự án (DA) GPMB Đường tỉnh (ĐT) 830E là một trong những tuyến giao thông trọng điểm, chiều dài của tuyến 9,16km. DA đang thực hiện BT,GPMB, dự kiến tỉnh sẽ triển khai thi công vào năm 2023.

DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 DA thành phần vận hành độc lập. Đoạn qua địa phận huyện Bến Lức có chiều dài 6,48km. UBND tỉnh đã phê duyệt DA GPMB. UBND huyện Bến Lức ban hành thông báo thu hồi đất, công bố chủ trương đầu tư, chủ trương, phạm vi GPMB, trao thông báo thu hồi đất cho các hộ bị ảnh hưởng và đã triển khai công tác kê biên, kiểm đếm đến hộ bị ảnh hưởng. Huyện giao các ngành hoàn chỉnh hồ sơ để phê duyệt phương án bồi thường và triển khai chi trả bồi thường cho dân trong quí II/2023.

Đường Lương Hòa - Bình Chánh có chiều dài 4,549km, điểm đầu kết nối với ĐT830, điểm cuối: Km4+549.19 tại kênh Ba Lạt (TP.HCM), quy mô nền đường rộng 60m; vốn đầu tư 1.249 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022-2025. Công trình đang dọn dẹp vệ sinh nền đường phạm vi DA Khu dân cư Mai Bá Hương để triển khai thi công.

ĐT830C có chiều dài 9km, điểm đầu giao với đường Nguyễn Hữu Thọ, điểm cuối giáp ranh Long An - TP.HCM. Nguồn vốn đầu tư 970,9 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Công trình đã thông qua Nghị quyết HĐND tỉnh số 28/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022, dự kiến triển khai thi công vào năm 2023.

Giao thông thuận lợi là động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư

Giao thông thuận lợi là một trong những tiêu chí đầu tiên mà các doanh nghiệp (DN) đưa lên hàng đầu khi chọn điểm đến đầu tư. Chính sự hấp dẫn này, đến nay Bến Lức có 11 K,CCN. Trong đó, có 9 K,CCN có nhà đầu tư và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 90% và 2 KCN là Tandoland và Prodezi được Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 650ha. Đến nay, Bến Lức có 2.527 DN trong nước với nguồn vốn 30.724 tỉ đồng, 120 DN nước ngoài với tổng vốn trên 1,3 tỉ USD (chiếm khoảng 13,6% vốn đầu tư toàn tỉnh).

Trong năm 2022, huyện thu hút 3 DA lớn, với nguồn vốn 4.467 tỉ đồng gồm: Công ty TNHH Lotte Eco Logis Long An, Nhà máy Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, Kho lạnh Long An. 3 DA đang triển khai tại các KCN trên địa bàn huyện, dự báo đóng góp không nhỏ vào KT-XH của huyện. Với số lượng DN như trên, quy mô nền kinh tế huyện chiếm 32,04% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất là 35,14% trên toàn tỉnh, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 30,23% toàn tỉnh, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất là 3,6% toàn tỉnh. Chính các yếu tố này giúp Bến Lức trở thành một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách cao trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi phấn khởi cho biết, với vị trí thuận lợi, tiềm năng đất đai và lao động dồi dào, giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường thủy, là những yếu tố để huyện Bến Lức phát triển nhanh theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Với lợi thế này, Bến Lức luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều DN, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Thời gian qua, Bến Lức tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác theo quy hoạch phát triển KT-XH. Kinh nghiệm cho thấy “lộ thông, tài thông”, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế.

Kết quả đó được chứng minh trong năm 2022, Bến Lức có 12 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, nổi bật là chỉ tiêu thu ngân sách, giảm số hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Theo đó, năm 2022, nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỉ đồng, đạt 176% dự toán pháp lệnh và đạt 142% dự toán phấn đấu, bằng 134% so cùng kỳ.

Có được kết quả này, Bến Lức tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức. Được xác định là một trong những huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, Bến Lức đã ra sức thực hiện nhiều biện pháp thu hút đầu tư, đạt nhiều kết quả tích cực. Song song đó, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, duy trì cầu nối giữa chính quyền địa phương và DN thông qua Hội DN huyện Bến Lức được thực hiện thường xuyên.

Phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại

Ông Trần Văn Tươi chia sẻ, để khai thác lợi thế so sánh của huyện, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Bến Lức trở thành đô thị, vệ tinh của cửa ngõ TP.HCM và Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2030 đạt đô thị loại III trực thuộc tỉnh, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.

Để đô thị Bến Lức trở thành đô thị thông minh, hiện đại, Trung ương quyết tâm cùng các tỉnh gấp rút triển khai xây dựng đường Vành đai 3 kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua 4 tỉnh, thành phố: Long An - TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương, đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ (song song cao tốc TP.HCM - Trung Lương, có ga tại xã Thạnh Đức). Đặc biệt, ĐT830E là công trình trọng điểm được tỉnh tập trung đầu tư trên địa bàn huyện Bến Lức - Cần Đước, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa từ các KCN Bến Lức - Đức Hòa về cảng. Ngoài ra, tỉnh còn định hướng đường Vành đai 4 đi qua các xã: Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Bình Đức; đường Lương Hòa - Bình Chánh kết nối Cửa khẩu Mỹ Quý Tây; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu, ĐT830C;... góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế địa phương, kết nối vùng TP.HCM.

Với ý nghĩa chiến lược về kinh tế, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, trong tương lai, Bến Lức hứa hẹn sẽ trở thành đô thị “vệ tinh” có nhiều tiềm năng phát triển cả về đô thị lẫn công nghiệp và là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư./.

Hương - Gia

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích