Tiếng Việt | English

07/07/2015 - 10:48

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tiểu học tỉnh Long An: 5 vấn đề then chốt

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là công việc hết sức trọng đại, trong đó giáo dục tiểu học tại Long An cần tập trung vào 5 vấn đề lớn, then chốt từ đổi mới tư duy, quan điểm đến mục tiêu, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục tiểu học.

 

1. Tích cực tham mưu để nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nói chung và giáo dục tiểu học (GDTH) nói riêng. Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo trong hệ thống chính trị, ngành giáo dục và đào tạo và toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm những khó khăn, thách thức trong GDTH. Đổi mới công tác thông tin và truyền thông để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới.

2. Đổi mới căn bản công tác quản lý GDTH, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường tiểu học, nhất là về chương trình, nội dung và coi trọng quản lý chất lượng dạy và học đối với các trường tiểu học. Phát huy vai trò của công nghệ thông tin. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các ngành, địa phương, mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các trường tiểu học; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và quản lý quá trình giáo dục; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục. Thực hiện nghiêm túc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường, phát huy vai trò của hội đồng trường. Thực hiện tốt giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

3. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GDTH. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục. Bảo đảm đủ kinh phí hoạt động chuyên môn cho các trường tiểu học công lập. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ở những các phường, thị vã, thị trấn, những nơi có khu - cụm công nghiệp,… Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các trường tiểu học; bảo đảm cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi con của nhân dân. Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở cấp tiểu học.

4. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục tiểu học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan tâm thực hành kỹ năng sống cho các em. Quan tâm xây dựng năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất. Tăng cường giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của các em. Tiếp tục đổi mới đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của giáo dục tiểu học trên cơ sở chuẩn kiến kiến, chuẩn kỹ năng. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng trường; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục tiểu học.5. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDTH. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDTH đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiểu học, cán bộ quản lý các trường tiểu. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho 100% CBQL các cơ sở GDTH. Tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý, cập nhật kiến thức, kỹ năng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của giáo viên theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp để thực hiện chương trình GDTH theo quy định. Thực hiện chế độ ưu đãi, cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ,...

Trước sự nhìn nhận những khó khăn, trách thức, năm vấn đề cấp thiết, then chốt trên chắc chắn rằng GDTH tỉnh Long An thực hiện thành công đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)./.

Ths. HuỳnH THị Huệ (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)

 

Chia sẻ bài viết