Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay đã gần tròn 1 thế kỷ. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng chỉ rõ: Giương cao hai ngọn cờ độc lập giải phóng dân tộc và tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng xã hội ưu việt: Dân chủ, công bằng, văn minh với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân,...
Từ hai ngọn cờ này đã hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân, đế quốc, đi đến thắng lợi cuối cùng. Hai ngọn cờ này vừa là tôn chỉ, mục tiêu kiên định, vừa là sứ mệnh, động lực cách mạng đã có sức hấp dẫn toàn dân tiến hành cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng.
Còn nhớ vận nước trước khi có Đảng chìm sâu trong đêm trường nô lệ bởi chế độ phong kiến và ách thực dân. Trong thời kỳ đen tối này, nhiều chí sĩ yêu nước từ Bắc chí Nam đứng lên khởi nghĩa kháng chiến nhưng đều bị thất bại bởi cương lĩnh, ngọn cờ đấu tranh chưa đủ sức thuyết phục, chưa tập hợp được sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc.
Trong bối cảnh đó, sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ kính yêu bắt đầu xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng từ quần chúng nhân dân. Cuộc kháng chiến kiên cường từ những năm 1930 cho đến năm 1975 được kết thúc bằng 2 chiến thắng đánh đuổi cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh. Thành quả cách mạng này đã được nhiều nhà chính trị quốc tế đánh giá: “Đó là cuộc đấu tranh vĩ đại của một dân tộc đất không rộng, người không đông, lực yếu nhưng đề ra tôn chỉ, sách lược đúng lòng dân, có tinh thần kiên cường quyết chiến quyết thắng đã tạo nên những kỳ tích của thời đại”.
Sau khi giành lại độc lập, ngọn cờ thứ 2 được giương cao, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phát triển bền vững. Trong 10 năm đầu sau toàn thắng, thống nhất đất nước, trong bối cảnh vừa bị bao vây cấm vận vừa bị thiên tai, địch họa cả 2 đầu đất nước tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, con thuyền đất nước đã vượt những cơn sóng dữ, kiên cường lướt tới.
Đến nay, có thể tự hào khẳng định đất nước ta đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc kiến thiết, xây dựng, thu về những thành quả cách mạng to lớn, kinh tế không ngừng phát triển, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Tiềm lực, vị thế, uy tín quốc gia được nâng lên tầm cao mới, tầm ảnh hưởng trên chính trường quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Khách quan mà đánh giá, đất nước ta đã tiến lên một bước khá dài từ khi có Đảng. Vận nước đã bừng sáng, không còn nổi trôi mịt mùng trong đêm trường nô lệ.
Dòng chảy lịch sử gần 100 năm qua của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng tạo nên những chiến quả “rúng động địa cầu”. Lịch sử luôn trung thực và khách quan. Không ai và không có thế lực nào có thể xuyên tạc, bẻ cong lịch sử.
Lịch sử dân tộc Việt Nam từ những năm 1930 đến nay khẳng định từ khi có Đảng lãnh đạo, đại đa số người dân Việt Nam luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, dân với Đảng như máu với thịt, dân với Đảng chỉ có một ý chí, ý Đảng hòa quyện với lòng dân để đưa đất tiến lên, kiên định độc lập, vì dân giàu, nước mạnh, xây nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền ngoại giao kết nối đa phương,... Dân tộc Việt Nam đã có thể hãnh diện, “ngẩng cao đầu“, “sánh vai với các cường quốc".
Rõ ràng tư duy và tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có tính đột phá mạnh mẽ từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Những bài toán khó về chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao,… được giải mã một cách hài hòa, biện chứng và hiệu quả bằng nội lực, sức mạnh nội sinh của toàn Đảng, toàn dân tộc và phù hợp xu thế phát triển của thời đại.
Tất nhiên, trên bước đường đi tới phát triển ở mọi quốc gia chứ không riêng Việt Nam, luôn có những tồn tại, khuyết điểm do chủ quan và khách quan của cá nhân hay tổ chức nào đó thực hiện không đúng chủ trương, đường lối của Đảng, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng.
Thực tế cho thấy, mọi Đảng cầm quyền ở từng quốc gia trên thế giới này ít nhiều để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm nhất định. Đó là những hiện tượng chứ không phải là bản chất vấn đề. Lợi dụng tình hình này, những cá nhân, tổ chức chính trị đối lập lấy cớ để đả phá, công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo bản chất sự việc, thiếu tính xây dựng để cải sửa tốt hơn. Mọi sự phê phán, phản bác nếu có tính phản biện nghiêm túc với động cơ trong sáng, mục đích xây dựng tốt sẽ được tiếp thu và trân trọng.
Gần 1 thế kỷ qua, toàn dân tộc Việt Nam đã thấm sâu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào trái tim và khối óc của mình. Đó sẽ mãi là ngọn cờ, ngọn hải đăng soi sáng cho dân tộc ta vững bước đi trên đại lộ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, không có thế lực nào lay chuyển và phá hoại được. Các luận điệu mang tính “bươi móc” về nhân quyền, tự do báo chí, tôn giáo, chống tiêu cực, tham nhũng hay những lý lẽ lạc điệu, thiếu tính xây dựng không thể cản trở hành trình đi tới mục tiêu đã kiên định của dân tộc Việt Nam.
Truyền thống văn hóa cao nhất, thấm đậm nhất của dân tộc Việt Nam là luôn trung với nước, hiếu với dân. Sỉ nhục lớn nhất trong đời người là sự báng bổ Tổ quốc, phản bội lại quê hương, dân tộc mình. Sao lại quên cội nguồn, quên nơi “chôn nhau cắt rốn”, “rước voi về giày mả tổ”? Những đau thương, mất mát lớn lao trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và hậu quả của nó để lại đã quá đủ để từng người Việt Nam dù trong nước hay ở xa Tổ quốc thấm thía, thức tỉnh nỗi nhục của người dân mất nước.
Thực tế trong nhiều năm qua, đại đa số những công dân Việt tha phương luôn hướng về Tổ quốc bằng hành động thiết thực như góp trí lực, tài lực để chung tay xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Vòng tay lớn của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn rộng mở để đón những người con Việt trở về trong mái ấm đại đoàn kết toàn dân tộc. Câu thành ngữ Quay đầu là bờ luôn nhắc nhớ những ai quên nguồn cội, lầm đường, lạc lối, trở về đường ngay, nẻo chánh trong lòng dân tộc bao dung./.
Trải qua hàng ngàn năm với những thời kỳ lịch sử khác nhau, Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé, đất ít, người cũng không nhiều nhưng đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh.
|
Lê Anh Dũng