Tiếng Việt | English

20/08/2021 - 14:40

Huyền thoại điện ảnh Bưng Biền

Ngày 15/3 được chọn là Ngày Điện ảnh Việt Nam. Đây là ngày kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quyết định đặt Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh trong Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thành “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” vào năm 1953. Tuy vậy, từ năm 1947, giữa vùng Đồng Tháp Mười, Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh thuộc cơ quan Chính trị Khu 8 được thành lập. 1 năm sau, bộ phim phóng sự - tài liệu đầu tiên của cách mạng Việt Nam ra đời làm nức lòng người dân và chiến sĩ. Đó là Điện ảnh Bưng Biền.

1. Tên gọi điện ảnh Bưng Biền xuất phát từ nơi sinh ra tổ điện ảnh đầu tiên ở miền Nam và cả nước. Đó là vùng nước phèn, lau sậy mọc nhiều hơn lúa, bưng biền lấn át ruộng đồng, “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh”. Vùng đất đó, mỗi năm có một mùa nước lũ, công sự, hầm trú ẩn đều bị vùi trong nước. Điện ảnh cách mạng Việt Nam được khai sinh tại vùng đất còn nhiều khó khăn như thế đó. Những người đặt “viên gạch” đầu tiên cho điện ảnh Bưng Biền thời đó là: Đạo diễn Khương Mễ, đạo diễn Mai Lộc, đạo diễn Hồ Tây,... Họ chẳng có gì ngoài niềm tin.

Trong bài viết Điện ảnh Bưng biền, chiến công và hoài niệm (Nhất Mai) có nhắc: “Cái gì đã làm nên chiến công này? Sức mạnh ở đâu? Không ở đâu cả. Không có khí tài, khí lực gì ở đây cả, đói gần chết, lạnh gần chết, muỗi cắn gần chết, không có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân gì ở đây cả. Chỉ có lòng tin với nhau mà người ta sống, người ta chiến đấu, người ta hy sinh, vậy thôi”. 

Tượng đài Điện ảnh Khu 8 nhắc nhớ về một thời điện ảnh Bưng Biền lừng lẫy, nơi đặt viên gạch đầu tiên cho điện ảnh cách mạng Việt Nam

Thời đó, cuộc sống của cán bộ cách mạng ta còn rất khó khăn, gian khổ. Việc đầu tư cho điện ảnh như một điều không tưởng. Vậy nhưng, tháng 10/1947, Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh thuộc Cơ quan Chính trị Khu 8 chính thức ra đời tại Trại Lòn (Nhơn Ninh). Những thước phim đầu tiên được sản xuất tại chốn bưng biền là phim về Tiểu đoàn 307 anh hùng, làm nức lòng quân và dân ta.

Vùng Đồng Tháp Mười sông, rạch chằng chịt trong khi máy móc, phương tiện phải giữ không để bị ẩm, địch thì lùng sục tấn công liên tục. Chiếc ghe buồng tối ra đời là nơi tráng phim di động, vừa thuận tiện di chuyển tránh địch, vừa dễ dàng tiếp cận khu vực dân cư để lấy nước ngọt và mua nước đá giữ lạnh thuốc tráng phim. Những thước phim đầu tiên ra đời trong hoàn cảnh đó. Những đạo diễn, quay phim lúc ấy vừa tránh địch, vừa làm phim, mày mò học hỏi, cải tạo máy móc.

Để khắc phục tình trạng phim quay được chỉ có 1 bản duy nhất, đạo diễn Khương Mễ nghĩ ra cách cải tạo máy quay phim cũ thành máy in chạy bằng dây cót. Từ đó phim được in nhiều bản, gửi đi nhiều nơi: Điện ảnh Khu 9, điện ảnh Khu 7, điện ảnh Khu 6 và hội nghị liên hoan thanh niên thế giới,... Điện ảnh Khu 8 bước vào thời kỳ phát triển nhất. Ở nơi bưng biền, làm điện ảnh đúng là chuyện hết sức viển vông. Vậy nhưng, cái viển vông ấy đã được các đạo diễn, quay phim, nhà báo của Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh biến thành sự thật. 

Hình ảnh làm phim tại bưng biền được khắc họa lại tại tượng đài

2. Phim Trận Mộc Hóa ra mắt vào đêm 24/12/1948, trong ngày bế mạc Hội nghị Quân Chính Đảng Nam bộ bên bờ kênh Dương Văn Dương là một sự kiện mà theo đạo diễn Hồ Tây là “hàng mấy đời nay chưa bao giờ thấy”. Hình ảnh người dân, chiến sĩ ta châu xuồng xem phim kín bưng một khúc sông, tiếng vỗ tay vang dồn lúc chữ “Hết” hiện lên là hình ảnh khó thể nào mờ phai trong tâm tưởng vị đạo diễn của điện ảnh Bưng Biền ngày trước. Trận Mộc Hóa có thể được xem là “đứa con đầu lòng” của Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh Khu 8 sau hơn 1 năm thành lập. Phim ghi lại hình ảnh trận đánh đồn của Tiểu đoàn 307.

Lúc đó, tổ chia thành 3 nhóm theo các mũi tiến công của ta: Đánh trực tiếp vào đồn, đánh quân tiếp viện đường sông, đánh quân tiếp viện đường bộ. Những thước phim về Trận Mộc Hóa được lưu giữ đến ngày nay do đạo diễn Mai Lộc quay. Phim được tráng xong thì cũng chỉ là “những thước phim thời sự, chiến đấu”. Các anh, các chú lại phải “chụm đầu” bàn luận, quay thêm cảnh khác để hoàn thành phim phóng sự - tài liệu Trận Mộc Hóa, bộ phim tạo tiếng vang cho cả vùng giải phóng đến cả Sài Gòn lúc bấy giờ. 

Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh là một phần của Cơ quan Chính trị Khu 8 (Trong ảnh: Hình ảnh được lưu giữ tại Nhà lưu niệm di tích Cơ quan Chính trị Khu 8)

Sau Trận Mộc Hóa, điện ảnh Khu 8 tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm khác: Trận La Bang, Chiến dịch Cầu Kè, Chiến dịch Trà Vinh, Hết đời đế quốc,... Điện ảnh Khu 8 còn cử người đến tập huấn cho điện ảnh Khu 9, Khu 7. Năm 1950, đạo diễn Mai Lộc và đạo diễn Nguyễn Phú Cẩn được cử ra Việt Bắc. Năm 1952, đạo diễn Mai Lộc làm phim tài liệu Chiến thắng Tây Bắc, là phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam chiếu ở Trung Quốc và các nước XHCN khác.

Những chiến sĩ cách mạng là đạo diễn, quay phim, nhà báo của Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh Khu 8 năm xưa nay chỉ còn mỗi đạo diễn Hồ Tây. Ông tâm huyết và yêu thương những tháng năm làm nên huyền thoại điện ảnh Bưng Biền nên mỗi năm mấy dịp đều về thăm lại vùng đất sản sinh nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tượng đài Điện ảnh Khu 8 đặt tại trung tâm thị xã Kiến Tường cũng có một phần đóng góp của ông. 

Quay kỹ xảo cho phim Hết đời đế quốc (Ảnh chụp lại)

Người đạo diễn năm xưa góp tay đưa “chớp bóng” về chốn bưng biền nay đã lớn tuổi. Tai ông không nghe rõ, mắt ông mờ hơn nhiều nhưng ký ức thì còn nguyên vẹn, nhắc về địa danh Đồng Tháp Mười, ông nhớ rõ từng cung đường kênh Dương Văn Dương đến Dãi Cờ Đen, đồng Bắc Chiêng, Bắc Chan,… Vùng đất đó ông cùng đồng đội đã “nằm gai nếm mật” đặt những “viên gạch” đầu tiên hình thành nên nền điện ảnh Việt Nam. 

Có câu chuyện kể, một người trí thức được xem phim của Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh đã xúc động nói rằng: “Giữa Đồng Tháp Mười nước mặn, đồng chua, Việt Minh làm được phim thì không có cái gì họ không làm được” (theo Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Mộc Hóa (18/8/1948 - 18/8/2018) của ThS.Nguyễn Tấn Quốc)./.

Ở nơi bưng biền, làm điện ảnh đúng là chuyện hết sức viển vông. Vậy nhưng, cái viển vông ấy đã được các đạo diễn, quay phim, nhà báo của Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh biến thành sự thật”. 

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích