Thời gian gần đây, văn hóa từ chức được nhiều người bàn đến với ý nghĩa là cán bộ, công chức thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ thì nên từ chức. Hành động đó được đánh giá cao vì nó thể hiện lòng tự trọng của bản thân đối với hiệu quả nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng - vấn đề đang được người dân rất quan tâm.
Tôi rất tâm đắc câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chống tham nhũng, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Không kiên quyết, nhụt chí, không vì lợi ích của nhân dân thì nên từ chức, theo tôi rất đúng trong thời điểm hiện nay. Bởi, hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.
Trước tình hình đó, Đảng ta rất quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết trong phòng, chống tham nhũng dù đây là việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, con người. Khó nhưng không thể không làm. Những ai có đủ lòng tự trọng và can đảm thì xin hãy từ chức khi tự thấy mình không còn xứng đáng là công bộc của dân nữa. Nói vậy chứ không phải dễ bởi không ít người vì quyền lợi, địa vị, cố bám lấy chức vụ, lợi dụng nó để làm giàu cho bản thân, gia đình.
Tham nhũng hiện là một vấn nạn, nếu ai không kiên quyết phòng, chống xin hãy từ chức. Từ chức dù không phải là việc làm dễ dàng nhưng thật sự cần thiết để có một xã hội thật sự tốt đẹp và ngày càng tiến bộ./.
Lâm Thôn