Tiếng Việt | English

02/03/2016 - 09:18

Những quy định mới về ATGT, tốc độ tham gia giao thông

Theo quy định của Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, tốc độ tối đa trên đường bộ (trừ đường cao tốc), trong khu vực đông dân cư của ô tô là 60km/h nếu chạy trên đường đôi (có dải phân cách giữa) hoặc đường một chiều có từ hai làn xe trở lên và tốc độ tối đa 50km/h nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có một làn xe.


Cảnh sát giao thông kiểm tra tốc độ phương tiện.

Ở ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép của xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe là 90km/h; xe ô tô chở người trên 30 chỗ là 80km/h; xe bus là 70km/h… Trên đường hai chiều không có dải phân cách hoặc đường một chiều có một làn, tốc độ tối đa cho phép của các loại xe ô tô này lần lượt là 80km/h, 70km/h và 60km/h…

Đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) thì tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h.

Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.

Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các bộ, ban, ngành phải tăng cường thực hiện quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật phương tiện đối với phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các bộ chỉ đạo cơ quan có liên quan tăng cường quy định pháp luật đối với an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục công bố rộng rãi danh sách phương tiện cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm; yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trong cả nước tích cực phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông địa phương trong công tác kiểm soát, thực hiện thủ tục ngừng hoạt động phương tiện hết niên hạn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Cục Đăng kiểm Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định pháp luật. Tiến hành điều tra, đánh giá, tổng hợp, thống kê số lượng phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là các phương tiện thủy chở khách.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xe 3 bánh tự chế, phương tiện cơ giới đường bộ hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng, các phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, đặc biệt là các loại xe 3-4 bánh gắn động cơ điện; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đăng ký và gắn biển kiểm soát đối với xe máy điện, mô tô điện trước ngày 1/7/2016. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng chuyên đề kết hợp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại chỗ cho người dân.

Xử phạt người đi bộ khu vực đô thị nếu đi bộ mà không chấp hành Luật Giao thông đường bộ theo Nghị định số 71/2012/NĐ-CP.


Người đi bộ băng qua dải phân cách QL1 không đúng quy định (ảnh chụp tại khu vực ngã ba Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Điều 46. Xử phạt người đi bộ vi phạm một số hành vi áp dụng riêng trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương

1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người đi bộ vi phạm một trong các hành vi quy định tại: Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 12 Nghị định này (không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông).

2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ vi phạm một trong các hành vi quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định này (mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy).

Minh Đăng (sưu tầm)

Chia sẻ bài viết