Tiếng Việt | English

09/04/2018 - 00:45

Nữ sinh chuyển trường vì cô giáo im lặng: Cuộc "giải cứu" đau đớn

Dù gia đình làm đơn chuyển trường theo nguyện vọng cá nhân, nhưng việc chuyển trường cho học sinh Phạm Song Toàn là sự thất bại và bất lực của giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM buồn bã cho biết như vậy về câu chuyện nữ sinh phản ánh chuyện cô giáo không nói gì trong giờ học suốt thời gian dài.

Phạm Song Toàn và cô giáo "không nói gì"

Phạm Song Toàn và cô giáo "không nói gì"

Theo ông Ngai, hành động của em Phạm Song Toàn đáng trân trọng và biểu dương vì em là một người thẳng thắn, nêu lên chuyện sai trái mà không sợ hậu quả. Vì vậy, dù em Toàn ở lại trường cũ hay chuyển trường mới, người lớn phải có trách nhiệm lên tiếng ủng hộ. Khi sự việc xảy ra đoàn thanh niên, ngành giáo dục phải khuyến khích và biểu dương cổ vũ tinh thần đấu tranh cho việc không đúng.

“Lớp học cũng là một xã hội thu hẹp, co nhận thức đúng và có cả nhận thức sau. Có thể trong lớp có em học sinh không đồng ý với Toàn nhưng trách nhiệm của người lớn là phải phân biệt đúng- sai để định hướng cho học sinh".

Còn anh Nguyễn Ngọc Bùi, một phụ huynh ở TP.HCM, cho rằng sự lên tiếng Phạm Song Toàn khiến anh liên tưởng đến câu chuyện tiêu cực ở Đồi Ngô năm nào.

“Câu chuyện chống tiêu cực, phanh phui ra hệ thống tiêu cực mà Đồi Ngô chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều. Tôi tin suy nghĩ của em Song Toàn đây rất vô tư, trong sáng nhưng tiếc là hai câu chuyện này đang cùng nằm trong một xu thế”- anh Bùi cho hay.

Anh Bùi cho rằng, nếu con mình có một sự thật như vậy, có lẽ anh chỉ còn có cách là khuyên con im lặng để không ảnh hưởng đến việc học tập.  “Là bố, tôi cảm thấy không an tâm khi con mình “đấu tranh” để rồi “tránh đâu””- anh Bùi nói.

Trong khi đó một hiệu trưởng ở TP.HCM khẳng định “có lẽ việc chuyển trường của em Phạm Song Toàn là thượng sách, bởi từ phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng và người có trách nhiệm cao hơn đều chưa làm đúng vai trò của mình.

“Nếu là phụ huynh sẽ cho cháu học tiếp ở trường đó. Cô giáo câm lặng sau khi xin lỗi học sinh thì xin không tiếp tục dạy nữa vì không đủ năng lực dạy học sinh. Là hiệu trưởng, tôi sẽ tìm một giáo viên giỏi, hiểu tâm lý học trò để cố gắng bù đắp những gì mà học sinh được học nếu cô giáo kia giảng bài. Còn Phó chủ tịch ủy ban đề nghị Hội đồng Sư phạm trường họp xem xét sự việc, tìm cách thức khắc phục trước khi yêu cầu Sở cho ngưng dạy và chấm dứt hợp đồng giảng dạy với cô giáo kia. Nhưng tất cả những điều trên không được thực hiện nên chuyển trường cho học sinh tố cáo là thượng sách”- ông nói.

Theo ông, suy tới cùng, lý do khiến sự việc như vậy là thể chế đã tạo nên một cơ chế vận hành của xã hội. Giáo dục là đơn vị xây dựng nên nền tảng đó. Khi xã hội chấp nhận sự thiếu phản biện thì nhân vật phản biện lại được đối xử như một nguy cơ.

Ông Nguyễn Hữu Quyền, từng là chuyên viên ở phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Nghệ An bày tỏ, câu chuyện này khiến ông buồn rất nhiều, thậm chí thất vọng.

“Việc đồng ý chuyển trường cho em chuyển trường chứng tỏ nhà trường đã không đủ bản lĩnh để khẳng định một giá trị, đồng thời không đủ năng lực cắt bỏ một khối u thừa trên cơ thể giáo dục. Tôi thấu hiểu, cảm thông với việc em xin chuyển trường, nhưng tôi khuyên em không phải đi đâu. Có lẽ do sức ép quá nhiều nên em tự nguyện chuyển trường. Đây là một cách tự cứu. Nhưng lại giải cứu khỏi một trường học là rất đau đớn”- ông Quyền cho hay./.

Theo Vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết