Tiếng Việt | English

15/09/2017 - 14:30

Phát huy truyền thống trung dũng kiên cường trong giai đoạn mới

Kỷ niệm 50 năm Ngày tỉnh Long An được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu vẻ vang và lá cờ thêu tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17/9/1967 - 17/9/2017), phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh - Đỗ Thanh Bình xoay quanh chủ đề trên.


Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" - Nơi tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh Sở VH-TT&DL

PV: Ông có thể cho biết, xuất phát từ đâu có danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”?

Ông Đỗ Thanh Bình: Danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của Long An chính là kết quả từ việc Đảng bộ biết kế thừa và phát huy cao nhất truyền thống anh hùng cách mạng của toàn dân, khai thác điểm yếu từ chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ.

Từ năm 1964, Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, tổng kết, nhân rộng phong trào du kích chiến tranh. Tháng 5/1965, tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất, Long An có các cá nhân tiêu biểu được tuyên dương anh hùng đầu tiên: Huỳnh Văn Đảnh, Nguyễn Minh Tua,... Đoán trước Mỹ sẽ vào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phát động phong trào thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ!”.

Năm 1965, Mỹ tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, đổ hàng chục tỉ đô la, hàng trăm ngàn quân viễn chinh Mỹ ồ ạt vào miền Nam, kết hợp quân chủ lực ngụy được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại. Mỹ phong tỏa vịnh Bắc bộ và ném bom miền Bắc với tham vọng áp đặt sức mạnh Mỹ, “đưa Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”! Trước đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Dù Mỹ trực tiếp đưa vào miền Nam bao nhiêu vạn quân, dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn!”; và Người nêu chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và xác định quyết tâm thắng Mỹ, Đảng bộ Long An phát động phong trào toàn dân đánh giặc.

PV: Phong trào toàn dân đánh giặc thể hiện ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Bình: Tháng 12/1965, Mỹ đổ quân xuống Long An, Hậu Nghĩa bằng chiến dịch “5 mũi tên” nhằm bảo vệ hướng Tây Bắc và Tây Nam thành phố Sài Gòn. Lữ đoàn Dù 173 Mỹ đổ quân xuống lưu vực sông Vàm Cỏ Đông (Đức Hòa, Đức Huệ) lập tức bị lực lượng vũ trang Long An và Khu 8 chặn đánh. Trước đó, quân, dân Long An đánh 3 trận lớn ở Đức Lập (Đức Hòa) loại khỏi vòng chiến đấu 1.850 tên địch; trong đó, riêng trận “Đức Lập 2” (tháng 10/1965) loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên, góp phần đập tan quân chủ lực ngụy.

Ở Kiến Tường, ta liên tiếp đánh các trận: Gò Ông Lẹt và kinh Dương Văn Dương, tiêu diệt hàng trăm tên, bẻ gãy chiến thuật biệt kích của địch. Những trận thắng quân chủ lực ngụy này tạo đà cho dân, quân trong tỉnh tiến lên thực hiện quyết tâm đánh Mỹ. Tháng 02/1966, bộ đội địa phương Long An bắn rơi 8 máy bay Mỹ, phá hủy 5 xe M113. Ngày 07/02/1966, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn mở Đại hội “Dũng sĩ diệt Mỹ” tuyên dương 2 ngọn cờ đầu diệt Mỹ là Long An “Anh dũng kiên cường giết giặc” và Củ Chi “Đất thép thành đồng”.

Phát huy thành tích bước đầu, tháng 5/1966, bộ đội địa phương huyện Đức Hòa kết hợp mũi đấu tranh chính trị của quần chúng diệt gọn 1 đại đội thuộc Lữ đoàn Dù 173 Mỹ ở Bàu Sen (Đức Lập), mở ra khả năng hoàn toàn có thể thắng Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, dân, quân Long An - Kiến Tường ngay từ khi Mỹ vào đã tỏ ra xứng đáng là mảnh đất thành đồng. Phong trào toàn dân đánh Mỹ được Đảng bộ nhân rộng, phát triển lên đỉnh cao với khẩu hiệu “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”. Nhiều nơi, bộ đội, du kích, nhân dân thi đua nhau để đạt các danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”,...

Từ phong trào này, Long An có những nông dân trở thành “kỹ sư” chế tạo vũ khí như “kỹ sư” Ngô Văn Lớn (Đức Huệ), có nhiều người dân bình thường đi gài mìn, phá lộ, đánh xe tăng Mỹ như “cơm bữa”; có thiếu niên 16 tuổi diệt được cả xe M113 và máy bay HU1A, có những em bé “chơi thân” với Mỹ để biết cách giựt súng đưa về cho bộ đội, du kích.

Cũng có những ông cha, bà má đêm đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, ngày đi đấu tranh chính trị, nắm càng máy bay, cản đầu xe tăng địch trong các cuộc càn, có những tập thể làng, xã hay bộ đội, du kích, an ninh mật chiến đấu ngoan cường được truy tặng danh hiệu anh hùng; có Tiểu đoàn 1 Long An Anh hùng được mệnh danh “Điều đâu đi đó; chỉ đâu đánh đó; đánh đâu thắng đó!”. Có các đội quân tóc dài đấu tranh chính trị trực diện với địch, có các đội nữ pháo binh cơ động - kiên cường, các đơn vị thông tin, giao bưu, cơ yếu,... luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều tập thể du kích vừa sản xuất, vừa rào làng chiến đấu, đánh địch bằng muôn ngàn kiểu cách, kể cả bằng dùng ong vò vẽ, bàn chông đinh, đạp lôi, trận địa giả, cắm bảng “tử địa”.

Long An - Kiến Tường có nhiều anh hùng nổi danh: Huỳnh Văn Đảnh, Nguyễn Thị Hạnh, Huỳnh Văn Tạo, Nguyễn Văn Thể, Trần Thế Sinh, Huỳnh Việt Thanh, Trương Thị Giao, Dương Thị Hoa,...; chỉ huy giỏi: Huỳnh Công Thân, Trương Công Xưởng; nhiều dũng sĩ diệt Mỹ, nhiều tấm gương tuổi trẻ anh hùng được cả nước biết tiếng: Võ Tấn Đồ, Mai Thị Non, Nguyễn Thái Bình,... lại có các chiến sĩ an ninh, biệt động, binh vận biết luồn sâu, đánh thọc tận hang ổ địch như Thiếu tá Anh hùng tình báo Nguyễn Thị Ba, những chiến sĩ kiên trung trong ngục tù Mỹ - ngụy như Nguyễn Thị Một - đi qua hàng chục nhà giam khét tiếng tàn ác, và biết bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,... làm rạng danh dân tộc.

Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các vành đai diệt Mỹ, tiến công địch bằng nhiều mũi giáp công, linh hoạt và biến hóa, mùa khô 1965-1966, quân, dân Long An diệt gần 2.000 tên Mỹ, bắn cháy 25 máy bay, phá hủy hàng chục xe M113. Từ ngày 05/6 đến 20/7/1967, quân, dân huyện Cần Giuộc - Cần Đước đánh trên 50 trận, diệt gần 1.400 tên Mỹ, bắn rơi 21 máy bay, nhấn chìm 12 tàu chiến. Quân, dân Long An đẩy lùi Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 Mỹ về Mỹ Tho, Sư đoàn 25 ngụy về Đồng Dù - Củ Chi. Long An có vành đai đánh Mỹ tiêu biểu vang danh cả nước: Vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến,...

Thời kỳ lịch sử mùa khô 1965-1966 cũng ghi nhận: Ở Long An có hàng trăm đảng viên hy sinh oanh liệt trong chiến đấu (chưa kể số hy sinh trong lực lượng vũ trang hoặc tử nạn vì đạn pháo) cùng với sự hy sinh, góp sức to lớn của hàng ngàn đồng bào luôn kiên cường bám trụ, giữ đất, giữ địa bàn, bảo đảm nhiệm vụ chiến trường và hành lang chiến lược.

Với truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất và thành tích đặc biệt xuất sắc trong cao trào toàn dân đánh Mỹ, ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 tổ chức tại căn cứ Trung ương Cục, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phong tặng cho Long An danh hiệu và lá cờ vẻ vang ghi tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Phát huy thành tích vẻ vang đó, Đảng bộ, dân và quân Long An vượt qua đỉnh cao khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - huy động trên 1.100.000 đảng viên và quần chúng ưu tú vào Chiến dịch Mậu Thân 1968; tiếp đó “chồm lên” trong chiến dịch Nguyễn Huệ và “Mùa hè đỏ lửa 1972”, cùng với cả nước buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngưng ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri, rút hết quân viễn chinh Mỹ về nước. Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!”, Đảng bộ, dân và quân Long An cùng miền Nam và cả nước đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PV: Thưa ông, sau ngày giải phóng quê hương và thống nhất đất nước đến nay, Đảng bộ và nhân dân Long An phát huy truyền thống trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc như thế nào?

Ông Đỗ Thanh Bình: Từ sau ngày 30/4/1975, cùng cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ, dân và quân Long An không ngừng phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” vào hoàn cảnh lịch sử mới dù phải trải qua muôn vàn khó khăn và thuận lợi đan xen. Dưới sự lãnh đạo tập trung, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, những năm 1975-1985, dân, quân Long An không ngừng hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, đặc biệt là bảo vệ vững chắc biên cương, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Trong những năm 1976-1980, Long An vừa sản xuất, ổn định đời sống, cưu mang gần 1 vạn người dân Campuchia sang tránh họa diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt phản động, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới; năm 1977, Long An đi đầu phong trào xóa dốt ở miền Nam. Với tinh thần năng động, sáng tạo, từ năm 1980, Long An đột phá thực hiện cơ chế “một giá”, góp phần cùng cả nước xóa cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp.

Tiếp đó, tiến quân khai mở Đồng Tháp Mười, tạo ra sản lượng lương thực chưa từng có (hơn 600.000 tấn, gần gấp đôi so với năm 1975). Năm 1985, Long An được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta, vì thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua gần 31 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-2017), Đảng bộ, dân và quân Long An không ngừng vươn lên đổi mới tư duy, nhất là đổi mới tư duy về kinh tế, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hạch toán trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung sức người, sức của xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại lao động, đất đai, thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cải tạo nông nghiệp và xây dựng các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh.

Bước đầu lãnh đạo tỉnh tạo bước chuyển lớn: Vận hành kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội nhiệm kỳ VII, Đảng bộ đề ra 4 chương trình trọng điểm về KT-XH, mở ra bước đột phá, tạo điều kiện cho Long An chủ động và chính thức gia nhập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ tháng 6/2003. Đại hội X Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ: Tập trung khai thác hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tiếp tục các chương trình đột phá, công trình trọng điểm của các nhiệm kỳ trước, 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm(*) của Nghị quyết Đại hội X chính là thể hiện quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn năng động mới của tỉnh.

Diễn đàn Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016 tại Long An mở ra thông điệp mới: Đẩy mạnh “Hợp tác - Phát triển bền vững”. Tỉnh định hình xong các vùng kinh tế trọng điểm và 28 khu, 34 cụm công nghiệp, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đến đầu tư. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,05%, vượt kế hoạch đề ra; riêng 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt mức khá là 8,81%; GRDP bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,03% (thời điểm cuối năm 2016). Từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế của Long An đang chuyển dịch đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghiêm túc thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI, XII) cùng với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên trong tỉnh cần gương mẫu cùng toàn dân nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc, ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ, vươn lên ngang tầm nhiệm vụ ở thời kỳ lịch sử mới, xây dựng quê hương Long An ngày càng tươi đẹp và giàu mạnh, giữ vững an ninh chính trị, thế trận quốc phòng toàn dân. Ðó chính là lòng tri ân thiết thực, xứng đáng với sự hy sinh máu xương của các thế hệ đi trước.

Tuy còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song với truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được phát huy ở điều kiện và trình độ mới, chúng ta tin chắc rằng, Đảng bộ và nhân dân Long An sẽ phát huy cao độ phẩm chất anh hùng, sức mạnh toàn dân trong giai đoạn mới, ra sức đoàn kết, phấn đấu, giữ vững định hướng để đạt những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Long Vân (thực hiện)


(*) 2 chương trình đột phá: Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm; Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 3 công trình trọng điểm: Đường tỉnh 830 (Đức Hòa - Tân Tập); Đường Vành đai TP.Tân An; Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang.

Chia sẻ bài viết