Tiếng Việt | English

12/06/2019 - 05:30

Phát triển du lịch gắn bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số

Để đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của “ngành công nghiệp không khói”, việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được coi là hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng.

Những ngôi nhà trình tường của đồng bào dân tộc Lô Lô là điểm nhấn văn hóa độc đáo thu hút du khách tại bản Lô Lô Chải (Hà Giang).

Những ngôi nhà trình tường của đồng bào dân tộc Lô Lô là điểm nhấn văn hóa độc đáo thu hút du khách tại bản Lô Lô Chải (Hà Giang).

Theo bài viết Người Dao ở Sa Pa làm du lịch của TS Trần Hữu Sơn đăng Tạp chí Du lịch, qua nghiên cứu nhu cầu khách quốc tế cho thấy 90% du khách thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người Dao, người Mông bản địa; 71% du khách muốn được ngủ và ăn ngay tại cộng đồng các làng người Dao; 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động như dệt vải, chế biến ẩm thực, thuốc tắm…; 83% du khách muốn mua sản phẩm lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của các hộ gia đình. Dù đây chỉ là thống kê tương đối trong một phạm vi địa lý hẹp, nhưng đủ thấy những giá trị văn hóa đặc sắc đang được đồng bào các dân tộc thiểu số lưu giữ có sức hấp dẫn thế nào đối với du khách, nhất là khách quốc tế. Với một cộng đồng dân tộc thiểu số đông đảo, mỗi dân tộc lại là chủ nhân của những kho tàng văn hóa khác nhau, có thể khẳng định đây là nguồn tài nguyên giá trị, dồi dào để phát triển du lịch.

Thời gian qua, nhằm tìm cách khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nêu trên, bên cạnh các chính sách về bảo tồn văn hóa, xây dựng nông thôn mới do các cấp ban hành, ngành du lịch đã tổ chức, hỗ trợ các địa phương khảo sát, phát triển sản phẩm. Ngành du lịch đã mở các khóa tập huấn nghiệp vụ cho thuyết minh viên du lịch tại một số tỉnh miền núi, đồng thời tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch tại một số điểm, phát triển mô hình du lịch miền núi có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Một số địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ động xây dựng, ban hành những chính sách để phát triển du lịch, tiêu biểu như Hà Giang, Quảng Nam, Lào Cai... Nhờ đó, hoạt động du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở một số làng, bản của đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu ổn định cho bà con. Các điểm du lịch cộng đồng như bản Lác, bản Văn (Hòa Bình), bản Áng (Sơn La), Quản Bạ (Hà Giang), Phiêng Lơi (Ðiện Biên)… đã trở thành những điểm đến quen thuộc của du khách. Du lịch cộng đồng đi kèm các dịch vụ như cung cấp nhà nghỉ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kinh doanh đồ lưu niệm, góp phần mang đến hàng nghìn cơ hội việc làm giúp cải thiện đời sống bà con đồng bào thiểu số. Như ở Sa Pa (Lào Cai), các điểm du lịch cộng đồng được ghi nhận có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp ba lần so với các thôn, bản không có du lịch cộng đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc phát triển du lịch thiếu định hướng ở một số nơi thời gian qua cũng đang khiến văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một. Bằng chứng là để phục vụ du khách, không ít phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được dàn dựng, tái hiện lại nhưng không giữ được vẻ đẹp như vốn có mà pha tạp, lai căng. Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch cũng khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc. Chẳng hạn, trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỉ mỉ, nay đã được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn; không ít sản phẩm lưu niệm được gọi là đặc trưng vùng, miền lại được nhập về từ nơi khác… Thực trạng này đòi hỏi cần có những chính sách định hướng đi kèm giải pháp cụ thể để phát triển du lịch ở những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên cơ sở gìn giữ, tôn trọng những giá trị văn hóa vốn có. Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới diễn ra tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch tổ chức, nhiều thách thức trong phát triển du lịch đã được các đại biểu chỉ ra như: hạ tầng thiếu đồng bộ, địa hình phức tạp, di chuyển không thuận lợi, thường xuyên phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ở một số nơi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn duy trì một vài hủ tục lạc hậu là rào cản lớn cho phát triển du lịch, đội ngũ nhân lực trình độ còn hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều…

Thực tế cho thấy, chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng mới chỉ tập trung vào bảo tồn nói chung, chưa có chính sách cụ thể về phát triển du lịch cho đối tượng này thông qua các chương trình, dự án cụ thể nên chưa tạo được chuyển biến. Những chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu mới hỗ trợ được hạ tầng thiết yếu để bảo đảm sinh hoạt cho bà con, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch còn khá thiếu thốn. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt các chính sách cơ bản như chính sách về xây dựng năng lực đón tiếp cho bà con dân tộc thiểu số, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, hỗ trợ kết nối, xúc tiến quảng bá du lịch… Do đó, theo đề xuất của Tổng cục Du lịch, để nâng cao khả năng tiếp cận của hệ thống hạ tầng ở các điểm du lịch, cần chính sách hỗ trợ hoàn thiện hệ thống đường sá, các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất bảo đảm yêu cầu đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Nguồn đầu tư có thể huy động từ ngân sách theo các kế hoạch trung, dài hạn, từ các chương trình mục tiêu quốc gia để lồng ghép tại các địa bàn có khả năng phát triển du lịch, và từ thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, việc đề xuất cơ chế phát triển du lịch nên tập trung vào xây dựng hạ tầng, giảm thủ tục hành chính cho việc đón khách quốc tế tại vùng biên giới; đào tạo nhân lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương; song song với chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tập trung vào trang phục, ẩm thực, kiến trúc, cảnh quan…; hỗ trợ xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Về phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hãng lữ hành đưa khách đến, do hoạt động trên địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, chi phí phát sinh nên cần được hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể…/.

Theo NDO

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích