Tiếng Việt | English

05/09/2022 - 09:46

Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép

Long An có đường biên giới dài hơn 134km, qua 20 xã biên giới thuộc 6 huyện, thị xã, tiếp giáp với tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Đặc điểm của tuyến biên giới là đồng bằng, nhiều đường mòn, lối mở, ranh đường biên cách nhau chỉ bờ ruộng hoặc con kênh nhỏ. Vì vậy, tuyến biên giới của tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép.

Một nhóm người xuất cảnh trái phép bị bắt giữ

Phát hiện nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép

Tại địa bàn biên giới của tỉnh, thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp XNC trái phép. 16 giờ 30 phút ngày 20/6/2022, tại khu vực cột mốc 202.1 thuộc ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, Tổ công tác thuộc Đồn Biên phòng (ĐBP) Thạnh Trị chủ trì, phối hợp Công an xã Bình Hòa Tây tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện xe ôtô 7 chỗ chở 5 người đang có ý định xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Tại đoạn biên giới qua 2 xã Mỹ Quý Đông và Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, thời gian qua, ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp XNC trái phép. Chỉ tính từ tháng 01 đến tháng 7-2022, đơn vị phối hợp lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 14 vụ/30 đối tượng xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Theo Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, đáng chú ý, chỉ trong 3 ngày (từ ngày 04 đến 06/7/2022), ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây phát hiện, bắt giữ 3 vụ/13 đối tượng xuất cảnh trái phép. Kết luận điều tra cho thấy, cả 3 vụ việc này đều có dấu hiệu hình sự về tội môi giới, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Đơn vị khởi tố vụ án hình sự, hoàn chỉnh thủ tục và bàn giao 3 vụ việc cùng các đối tượng nêu trên cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, trên tuyến biên giới tỉnh, lực lượng chức năng còn phát hiện, bắt giữ những trường hợp người nước ngoài có hành vi xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Lúc 21 giờ 30 phút ngày 12/8/2022, tại khu vực ngã ba đường tuần tra biên giới thuộc ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, ĐBP Sông Trăng (huyện Tân Hưng) phối hợp Tổ công tác Đoàn Trinh sát miền Nam và Công an huyện Tân Hưng phát hiện 2 xe ôtô có biểu hiện nghi vấn liên quan đến xuất cảnh trái phép. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 2 ôtô có 11 người Đài Loan, Trung Quốc. Bước đầu, số đối tượng này khai đang tìm cách qua Campuchia tìm kiếm việc làm.

Hai lái xe là Hồ Quốc Thanh (SN 1989) và Nguyễn Tuấn Biển (SN 1995), cùng ngụ tỉnh Đồng Tháp, khai nhận, thông qua Zalo và điện thoại, cả 2 được một người đàn ông (không quen biết) thuê chở số người trên từ bến xe Tân Hồng về bến xe Tân Hưng, tiền công là 2,5 triệu đồng, phương thức thanh toán chuyển khoản. Vụ việc đang được ĐBP Sông Trăng phối hợp công an và các cơ quan chức năng điều tra, xác minh để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó hơn 1 tháng, sáng ngày 08/7/2022, ĐBP Sông Trăng (huyện Tân Hưng) phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 6 người có quốc tịch Trung Quốc đang tìm đường xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Qua đấu tranh khai thác, số người này khai nhận, đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua khu vực biên giới phía Bắc, sau đó đi xe ôtô vào phía Nam rồi lên khu vực biên giới Long An để xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc làm.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội BP tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng bộ đội BP toàn tỉnh phát hiện, bắt giữ 15 vụ, 56 người, hộ khẩu thường trú ở nhiều tỉnh, thành vì có hành vi XNC trái phép; riêng trong tháng 7/2022, bắt 7 vụ, 22 đối tượng.

Qua làm việc, nhiều người khai báo, lý do tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia là vì nghe theo những lời quảng cáo, rủ rê, môi giới trên mạng đi làm “việc nhẹ, lương cao”. Ngoài mời chào qua mạng xã hội, có những trường hợp còn bị các đối tượng quen biết gọi điện thoại, nhắn tin rủ rê sang Campuchia làm việc.

Xử lý nghiêm hành vi tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép

Liên quan đến việc tổ chức xuất cảnh trái phép qua biên giới, tòa án 2 cấp ở tỉnh đã đưa ra xét xử một số đối tượng. Ngày 19/7/2022, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tân Hưng tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép đối với bị cáo Đặng Phương Em (SN 1987, cư trú ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng). Căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên án: Bị cáo Đặng Phương Em phạm tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép với mức án 1 năm 6 tháng tù giam. Trước đó, bị cáo Đặng Phương Em cũng đã bị TAND huyện tuyên phạt mức án 7 năm 6 tháng tù giam về tội đưa người xuất cảnh trái phép nhưng chưa đưa đi chấp hành phạt tù. Tổng mức án cho 2 tội danh trên là 9 năm tù giam.

Cũng trong tháng 7/2022, TAND tỉnh đưa ra xét xử 10 đối tượng trong đường dây tổ chức người XNC trái phép. Các đối tượng đã 3 lần tổ chức cho gần 30 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Các đối tượng thừa nhận móc nối với một đối tượng không rõ lai lịch bên Campuchia để tổ chức xuất cảnh trái phép với thỏa thuận tiền công 2 triệu đồng/người. Theo đó, mức án mà tòa tuyên cho tất cả 10 bị cáo cộng lại là 71 năm tù giam.

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, ngành chức năng thường xuyên cảnh báo về thủ đoạn lừa gạt sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Thế nhưng, vẫn có nhiều người ở nhiều địa phương trong cả nước nhẹ dạ, cả tin và “mắc bẫy” lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Có những người trở thành nạn nhân của mua bán người, bóc lột sức lao động, bị đánh đập, hành hạ. Có những trường hợp nếu muốn về phải gọi gia đình gửi tiền chuộc. Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" chủ yếu trong độ tuổi 18 đến dưới 40, có gia cảnh khó khăn.

Đơn cử như vụ việc 40 người Việt bị dụ dỗ, lôi kéo sang làm việc tại một casino ở Campuchia đã tháo chạy, bơi sông về Việt Nam vào ngày 18/8 là một minh chứng cụ thể. Những người này khai báo với ngành chức năng tỉnh An Giang, họ tin lời qua Campuchia làm việc với mức lương cao nhưng sau đó phát hiện bị lừa đảo nên tìm cách trốn về Việt Nam. Họ phải làm việc quá thời gian quy định (không được nghỉ ngơi), không được trả lương, bị đánh đập nên đã thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.

Công an tỉnh An Giang nhận định vụ việc này có dấu hiệu của tội phạm mua, bán người và tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Với tinh thần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm, các lực lượng chức năng Công an tỉnh An Giang đã tập trung củng cố hồ sơ, tài liệu, đấu tranh, bắt giữ các đối tượng có liên quan, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. Qua vụ việc nổi cộm này, hy vọng rằng, nhiều người sẽ được cảnh tỉnh để tránh mắc bẫy lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao".

Tại tỉnh Long An, đường biên giới dài hơn 134km, tiếp giáp với tỉnh Svay Rieng và Prey Veng của Vương quốc Campuchia. Đặc điểm của tuyến biên giới là đồng bằng, nhiều đường mòn, lối mở, ranh đường biên cách nhau chỉ bờ ruộng hoặc con kênh nhỏ. Vì vậy, tuyến biên giới ở tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ XNC trái phép. Để ngăn chặn XNC trái phép, bộ đội BP tiếp tục tăng cường lực lượng, đẩy mạnh các giải pháp và phối hợp hiệu quả các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát chặt tuyến biên giới. Các cấp, các ngành, nhất là các địa phương biên giới đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt được những thủ đoạn lừa đảo sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi thuê lao động, khi tìm việc làm cần liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, người dân cần hiểu rõ quy định của pháp luật liên quan việc XNC, không để vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phối hợp, thực hiện các chuyên án điều tra, triệt xóa, bắt giữ các đối tượng, đường dây tổ chức đưa người XNC trái phép để đưa ra truy tố, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết