Tiếng Việt | English

19/08/2015 - 15:08

Quê hương đổi mới


Hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư, sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tiếp tục phát triển

Một thời gian khó

Hơn 90 tuổi, bà Võ Thị Minh Trọng, (nhà ở phường 3, TP.Tân An) sức khỏe yếu hơn xưa, nhưng trí nhớ khá tốt, bà nhớ nhiều chi tiết về cuộc sống của người dân Long An trước Cách mạng Tháng Tám. Bà kể: Trước 1945, cuộc sống của người dân đều khó khăn nhiều gia đình lâm vào cảnh đói triền miên và chìm trong cảnh dốt chữ.

Là con gái lớn trong gia đình 7 anh em nên bà Minh Trọng hay quan sát, thường hỏi ba bà (lúc ấy là thầy giáo của một trường tiểu học ở huyện Đức Hòa bây giờ) vì sao người dân có ruộng, làm ra lúa gạo nhưng ai cũng nghèo và thiếu ăn. Ba bà luôn nói, cuộc sống nghèo khó của người dân không phải do nông dân thiếu sự cần cù mà chính là do sự bất công của xã hội. Nông dân, người trực tiếp làm ra hạt lúa nhưng không có quyền sở hữu lúa do mình làm ra. Đất đai do nông dân khẩn hoang, khi đã thành bờ, thành khoảnh thường bị chiếm đoạt bởi bọn chủ điền, những kẻ giàu có hay người nhiều thế lực.

Gia đình bà vốn có truyền thống yêu nước, được sự dìu dắt của những người đi trước, ba bà Minh Trọng đi kháng chiến. Rồi bà cũng theo ba vào vùng kháng chiến ở khu căn cứ Bình Thành, Đức Huệ bây giờ. Lúc ấy, trong vùng căn cứ, bà giữ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe đồng đội cũng như nhân dân quanh vùng.


Lĩnh vực giáo dục được tỉnh quan tâm đầu tư, mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp

Đổi thay trên quê hương Long An

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Long An đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), Long An đã đạt những kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, tạo tiền đề vững chắc để tỉnh tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh - Đỗ Hữu Lâm cho biết, 5 năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 11,25%; GDP bình quân đến năm 2015 khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Tỉnh đã triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch vùng, quy hoạch một số huyện, thành phố trọng điểm và điều chỉnh, lập mới quy hoạch các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh.

Kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tiếp tục phát triển, cơ cấu vật nuôi, cây trồng chuyển biến theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng sinh thái. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành với sản lượng bình quân 2,75 triệu tấn/năm. Để đạt sản lượng như trên, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất. Hệ thống thủy lợi vùng Đồng Tháp Mười cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ khá hiệu quả cho sản xuất; trong đó 90% diện tích trồng lúa được tưới tiêu.

Tuyến Đường tỉnh Bo Bo - Bình Thành đã khởi công tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, chuyên chở nông sản của người dân ở khu vực các xã ngập sâu 2 huyện Thủ Thừa, Đức Huệ như Tân Thành, Tân Lập, Long Thành, Bình Thành. Tuyến đường hoàn thành rút ngắn khoảng cách 30km giao thông đường bộ từ TP.Tân An đi huyện Đức Huệ - qua ngã Thủ Thừa, cũng như mở ra sự phát triển cho 5 xã vùng sâu, vùng xa ngập lũ của 2 huyện Thủ Thừa và Đức Huệ. Tổng kinh phí đầu tư tuyến đường gần 1.250 tỉ đồng.

Định hướng 5 năm tới (2015-2020), tỉnh đã quy hoạch 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp; đến nay, đã có 16 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Thời gian qua, tỉnh xây dựng chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp. Chương trình đạt một số kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nhờ vậy, Long An là một trong những địa phương trong khu vực phía Nam thu hút đầu tư khá nhiều. Toàn tỉnh có hơn 6.200 doanh nghiệp trong nước và 386 dự án đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Giáo dục - đào tạo được tỉnh quan tâm đầu tư, mở rộng, mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp, toàn tỉnh hiện có 638 cơ sở giáo dục. Tỉnh đã không còn xã trắng về giáo dục mầm non. Trường THPT Chuyên Long An được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài./.

Mai Hương

.
 

 

Chia sẻ bài viết