Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 được đề xuất trao cho nhà Toán học- PGS.TS Nguyễn Sum (57 tuổi) ở ĐH Quy Nhơn và nhà Hóa học- GS. TS Phan Thanh Sơn Nam (40 tuổi), trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM.
PGS.TS Nguyễn Sum kiên trì theo đuổi nghiên cứu giả thuyết “hit problem”- một bài toán mở rất khó chưa có lời giải trọn vẹn trong lĩnh vực Tôpô Đại số.
Từ năm 1980, một số người làm Tôpô Đại số bắt đầu quan tâm đến “hit problem” nhưng không công bố. Đến năm 1986, một nhà Toán học Mỹ tên là Frank Peterson (Học viện Kỹ thuật Massachussets) chính thức trình bày bài toán này tại một hội thảo của Hội Toán học Mỹ, trong đó “hit problem” được giải tường minh cho trường hợp đại số đa thức 1 và 2 biến cùng với một giả thuyết cho trường hợp tổng quát. Giả thuyết này được nhà khoa học Wood (ĐH Manchester) chứng minh vào năm 1989.
Nhà khoa học Nguyễn Sum
Sau đó, một số tác giả khác quan tâm nghiên cứu bài toán này với tên gọi “Peterson hit problem” và chỉ ra các ứng dụng của nó trong nhiều bài toán cổ điển của lý thuyết đồng luân.
Kể từ đó, “Peterson hit problem” là một bài toán mở và là một trong những bài toán trung tâm của Tôpô Đại số, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của rất nhiều tác giả ở nước ta và trên thế giới.
Lời giải chi tiết của “hit problem” cho trường hợp đại số đa thức 3 biến là nội dung luận án tiến sĩ của Kameko (ĐH Toyama, Nhật Bản) thực hiện tại trường Đại học Johns Hopkins vào năm 1990. Trong luận án này, Kameko đã đưa ra một giả thuyết về số lượng các phần tử sinh cho trường hợp tổng quát.
Sau 18 năm, vào năm 2008, PGS.TS Nguyễn Sum đã chứng minh giả thuyết của Kameko là sai. Kết quả này được công bố trong một bài báo trên tạp chí “Advances in Mathematics” vào năm 2010. Trước khi công bố, kết quả này được gửi cho GS William Singer (ĐH Fordham, New York). Ông đã nhận xét: “Vì giả thuyết của Kameko là sai nên “hit problem” còn khó hơn những gì mà chúng ta đã nghĩ”.
Trong bài báo “On the Peterson hit problem”, PGS.TS Nguyễn Sum đã đưa ra một thuật toán để giải “hit problem” tổng quát tại một dạng bậc gọi là “bậc tổng quát” cùng với một cấu trúc hoàn toàn mới của các phần tử sinh. Kết quả này bao hàm các kết quả của các tác giả đã nghiên cứu trước đó như là các trường hợp riêng.
Ứng dụng kết quả này, PGS.TS Nguyễn Sum đã giải tường minh hoàn toàn “hit problem” đối với trường hợp đại số đa thức 4 biến. Vì bài báo này rất dài với các kỹ thuật và tính toán rất phức tạp nên Tạp chí công bố phần “lý thuyết” với đầy đủ các chi tiết; phần “ứng dụng” cho trường hợp 4 biến được công bố tóm tắt cấu trúc của tập hợp sinh cực tiểu cùng với phép chứng minh chi tiết của một số trường hợp đơn giản nhất để minh họa.
Phép chứng minh chi tiết của tất cả các trường hợp khác được Tạp chí yêu cầu công bố online trong một bài báo dài 240 trang kèm theo công bố chính thức trên Tạp chí.
Những kết quả của bài báo này có thể ứng dụng để nghiên cứu dãy phổ Adams đối với đồng luân ổn định của mặt cầu thông qua đồng cấu chuyển đại số của Singer; lý thuyết biểu diễn của các nhóm tuyến tính mà thường được sử dụng trong Hóa học lượng tử và ứng dụng trong một số bài toán khác của lý thuyết đồng luân.
Công trình nghiên cứu đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và củng cố trong việc nghiên cứu lĩnh vực khoa học cơ bản.
PGS.TS Nguyễn Sum cho biết, không giống như lĩnh vực vực nghiên cứu khoa học ứng dụng là có thể nhìn thấy kết quả công trình nghiên cứu trên các sản phẩm, mẫu vật nhưng nghiên cứu khoa học cơ bản lại rất quan trọng, tạo tiền đề phát triển nghiên cứu ứng dụng.
Thu nhập dành cho người nghiên cứu về lĩnh vực khoa học cơ bản không được cao. Để các bạn trẻ say mê với lĩnh vực này thì các cơ quan, ban ngành cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng.
Nghiên cứu khoa học là một con đường chông gai
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 còn được trao cho GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Đây cũng là giải thưởng đầu tiên dành cho ngành Hóa học. GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực Hóa học kỹ thuật.
Nhà khoa học Phan Thanh Sơn Nam (phải)
Công trình đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine.
Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố. Đây là một công trình khoa học được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam do 5 tác giả là người trong nước, hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài. Bài báo khoa học làm nên giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm và đã được trích dẫn 21 lần.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu ở trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố được 48 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI theo hướng nghiên cứu trên.
Có thể nói, giải thưởng Tạ Quang Bửu đã ghi nhận sự đóng góp quan trọng của GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và nhóm nghiên cứu do Giáo sư dẫn dắt cho ngành Hóa học Việt Nam bằng kết quả nghiên cứu xuất sắc mang tầm quốc tế.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cho biết: "Nghiên cứu khoa học là một con đường chông gai, thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Nếu không có niềm đam mê, bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng".
Là một trong những nhà khoa học được phong học hàm giáo sư trước 40 tuổi, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã bày tỏ, đạt được tiêu chuẩn chức danh giáo sư là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới trong nghiên cứu khoa học với trách nhiệm nặng nề.
“Xin được làm một nét gạch nối giữa thế hệ các bạn trẻ hơn tôi với thế hệ cha anh để cùng nhau học hỏi kiến thức và kinh nghiệm và kiến thức từ những thế hệ đi trước”- GS Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ.
Vì vậy, sau khi đạt được chức danh GS, ngoài việc thực hiện những nghiên cứu của riêng mình, anh Sơn Nam đã hỗ trợ rất tích cực cho các bạn trẻ hơn trên con đường nghiên cứu khoa học./.
Bích Lan/VOV.VN