Tiếng Việt | English

22/07/2015 - 16:09

Ukraine lại dậy sóng bởi các cuộc biểu tình của phe cực hữu

Với tình hình tại miền Đông vẫn chưa ổn định, căng thẳng với Nga chưa hạ nhiệt, kinh tế trên bờ vực phá sản, giới quan sát nhận định, các cuộc biểu tình tại Kiev đang đẩy Ukraine lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Tổ chức cực hữu chính là lực lượng đã tham gia vào các cuộc biểu tình bạo động trên quảng trường Maidan vào đầu năm 2014, dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống khi đó là Viktor Yanucovich. Khi xung đột tại miền Đông Ukraine nổ ra, các thành viên của nhóm cũng cùng quân đội chính phủ chống lại lực lượng đối lập.


Hàng nghìn người ủng hộ tổ chức cực hữu Ukraine (Right Sector) ngày 21/7 đã tập trung tại quảng trường Maidan, Kiev để phản đối chính phủ. (ảnh: Twitter/RT)

Tuy nhiên, phong trào này thường xuyên có mâu thuẫn trong chính sách với chính phủ. Họ khẳng định đang cố gắng chống tham nhũng và bất công tại Ukraine, nhưng chính quyền Kiev lại cáo buộc nhóm này sử dụng bạo lực để thực hiện mục tiêu của mình.

Tại đại hội của phong trào này ở Kiev ngày 21/7, Thủ lĩnh cực hữu Dmitry Yarosh tuyên bố, phong trào này sẽ yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về bất tín nhiệm Quốc hội, Nội các và Tổng thống. Tổ chức cực hữu cũng yêu cầu hủy bỏ các thỏa thuận Minsk đạt được vào tháng 2 vừa qua, hợp pháp hóa các tiểu đoàn tình nguyện, không tham gia các cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào tháng 10 tới.

Ông Yarosh cho biết, nếu tổ chức này không thể tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, họ sẽ tìm cách thành lập Ủy ban bầu cử trung ương (CEC) của riêng mình để tự tiến hành bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Trước đó, nhóm cực hữu đã thiết lập các chốt an ninh để chặn lực lượng cảnh sát tiếp cận khu vực phía Tây đất nước. Người phát ngôn của nhóm cực hữu Olexiy Byk cho biết: “Với các chốt an ninh này, chúng tôi đang đóng cửa các con đường mà cảnh sát có thể sử dụng để triển khai quân. Tôi xin khẳng định, những chốt an ninh này không phải nhằm vào dân thường, mà chỉ nhằm chặn đường của cảnh sát và lực lượng an ninh muốn tiếp cận để phong tỏa khu vực phía Tây”.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, kế hoạch của phong trào cực hữu là thách thức trực tiếp với Tổng thống Ukraine Poroshenko, buộc chính phủ nước này phải mở một mặt trận mới để đưa Ukraine trở lại ổn định. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không nhỏ khi chính phủ nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên mọi phương diện.

Phong trào cực đoan cực hữu luôn lên tiếng yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận Minsk đang đạt được nhiều bước tiến. Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 21/7 cho biết, chính quyền Ukraine và lực lượng đối lập đã đạt một thỏa thuận sơ bộ về mở rộng quy mô rút vũ khí khỏi miền Đông Ukraine, một phần trong thỏa thuận Minsk. Việc nhượng bộ yêu cầu của nhóm cực hữu có thể làm thổi bùng lên cuộc xung đột với lực lượng đối lập tại miền Đông.

Chính phủ Ukraine cũng đang bị chỉ trích cải cách hệ thống luật pháp chậm chạp, được cho là mang lại nhiều quyền lực hơn cho người giàu và có quyền lực. Chính vì vậy, tham gia các cuộc biểu tình mấy ngày qua không chỉ là những người ủng hộ nhóm cực hữu, mà còn có cả người dân lao động, cảm thấy không hài lòng với mức sống nghèo khổ dưới thời Tổng thống Poroshenko.

Không chỉ vấn đề trong nước, cuộc tập trận đang diễn ra của quân đội NATO tại Ukraine cũng có thể đẩy căng thẳng với Nga lên một nấc thang mới. Quân đội Mỹ, Anh, Đức, Ukraine và 14 quốc gia khác ngày 20/7 đã bắt đầu tổ chức các cuộc diễn tập chung, được mệnh danh là “cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất diễn ra ở Ukraine”.

Trong một tuyên bố chính thức, Nga tuyên bố rằng, các cuộc tập trận quân sự do Mỹ cầm đầu ở miền Tây Ukraine có thể để lại những hậu quả “dễ gây bùng nổ xung đột”.

Các cuộc biểu tình tại Quảng trường Maidan cách đây hơn một năm, đưa chính phủ của Tổng thống Poroshenko lên nắm quyền với hi vọng sẽ mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, cuộc đảo chính này đang thực sự châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay ở Ukraine, đẩy các mối quan hệ quốc tế giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh./.

Phạm Hà/VOV- Trung tâm Tin (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết