Tiếng Việt | English

03/09/2019 - 19:05

Vì mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh

Năm học mới đến, các trường đề ra phương hướng, nhiệm vụ để thực hiện tốt công tác dạy và học của đơn vị mình. Theo đó, các trường chọn những giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

Học sinh học tập, thực hành trong điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Học sinh học tập, thực hành trong điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học mới, các trường nỗ lực khắc phục những hạn chế và phát huy thế mạnh của năm học trước, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV), tạo điền kiện học tập thuận lợi cho HS nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị.

Năm học 2019-2020, Trường THCS&THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đề ra những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, trường quyết tâm thực hiện tốt các phương pháp, hình thức dạy và kiểm tra, đánh giá tích cực; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS và giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. GV đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phát huy hiệu quả hoạt động tổ, nhóm chuyên môn.

Để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trên, trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phù hợp với đặc thù của trường và địa phương. Theo đó, trường thực hiện công tác quản lý HS và phối hợp tốt giữa 3 môi trường giáo dục (gia đình, nhà trường và xã hội). Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Mỹ Bình - Lê Văn Lai cho biết: “Công tác phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi, sự quan tâm của gia đình và xã hội càng lớn thì công tác giáo dục HS của trường càng thuận lợi và đạt kết quả cao. Đặc biệt, gia đình quan tâm việc học, giáo dục
con em mình thì các em sẽ có nền tảng học tập tốt hơn. Tuy nhiên, công tác phối hợp này cũng còn nhiều khó khăn, do đó, trường nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để đạt kết quả như mong muốn”.

Ngoài ra, trường cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyên môn. Trong đó, GV thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá HS; đồng thời, phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của HS, giúp các em ứng dụng những kiến thức được học vào thực tiễn. Trường còn thực hiện dạy phụ đạo HS yếu, kém để củng cố, nâng cao kiến thức; thực hiện công tác khuyến học, hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hội thi cho giáo viên và HS tham gia về học tập lẫn phong trào thể dục - thể thao, văn nghệ; đầu tư, mua sắm phương tiện, công cụ dạy học.

Chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh

Song song với dạy kiến thức, các trường còn chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS. Đó cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện công tác này, các trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trường THCS Nguyễn Văn Thăng (xã Bình Quới, huyện Châu Thành), ngay ngày tựu trường, Ban Giám hiệu, GV chủ nhiệm sinh hoạt với HS về nội quy, nề nếp, đạo đức HS. Trường có những chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS theo chủ đề, chủ điểm mỗi tháng trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt ngoài giờ lên lớp.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Thăng - Nguyễn Thị Bích Nga chia sẻ: “Mỗi GV đều có trách nhiệm trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS, đặc biệt là GV bộ môn và GV chủ nhiệm. Theo đó, GV bộ môn lồng ghép giáo dục các em thông qua các bài học và tình huống xảy ra trong thực tế lớp học; GV chủ nhiệm phát huy vai trò giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống của mình thông qua tiết sinh hoạt lớp, xử lý các tình huống xảy ra trong lớp học một cách hợp lý và tâm lý, giúp các em biết đúng, sai và trưởng thành hơn”.

Bên cạnh đó, trường phối hợp gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS. Trong đó, trường thường xuyên thông tin tình hình học tập và rèn luyện đạo đức của HS đến phụ huynh. Đối với HS chưa ngoan, trường phối hợp chặt chẽ gia đình để cùng rèn giũa các em cũng như khen ngợi khi các em có sự thay đổi tích cực. Trường còn phối hợp địa phương, nhất là các hội, đoàn thể tổ chức các hoạt động vui chơi và giáo dục truyền thống, lịch sử và tình yêu quê hương, đất nước cho HS.

Năm học mới, các trường đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ mới và quyết tâm thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện HS./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết