Tiếng Việt | English

21/06/2021 - 09:53

Báo chí chính thống và mạng xã hội

Từ góc nhìn của người quản lý báo chí…

Trả lời câu hỏi “Liệu đến một ngày nào đó, mạng xã hội (MXH) có đánh sập báo chí truyền thống hay không?” của Báo An ninh Thế giới giữa tháng (mục Đối thoại & Suy ngẫm - số 161, tháng 6/2021), Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Thanh Lâm nói: “… theo tôi, lao động của một nhà báo đúng nghĩa và những lao động tạo ra thông tin trên MXH có thể vẫn là rất khác nhau nhưng cũng phải nghĩ dần đến một giả định trong tương lai: Có thể đến một ngày nào đó, phải chăng chúng ta không thể nhìn báo chí theo một cách hạn hẹp như hiện nay, mà buộc phải bổ sung cho nó những nội hàm hoàn toàn mới?"

Ông giải thích thêm: “Chúng ta sẽ không thể giải quyết bài toán một cách căn cơ nếu vẫn nghĩ rằng MXH và báo chí giống hai thế giới tương phản, đối lập, loại trừ nhau, không thể nào hòa vào nhau. Điều mà chúng ta đang và sẽ phải hướng đến, đó là làm thế nào để sống được một cách tích cực nhất trong không gian truyền thông mới? Ví dụ như chúng ta cần tới cách thức phân phối thông tin hết sức hiệu quả của các MXH nhưng lại phải thấy rằng cũng có lúc người ta mệt mỏi với những thông tin xen lẫn thật - giả tràn lan trên mạng, mà cần đến những thông tin uy tín, chất lượng. Lúc đó báo chí chính thống phải tạo ta những gói thông tin chất lượng, chuyên sâu, tin cậy và hoàn toàn có thể thu phí người đọc, người xem”.

Vậy làm gì để có gói thông tin chất lượng, chuyên sâu, đáng tin cậy?

Ai cũng thấy những tờ báo đẹp về hình thức, phong phú về nội dung với những gói thông tin chất lượng (phát hiện được cái mới, cái tích cực, dự báo khá chính xác và có tính chiến đấu cao, như chống tham nhũng, tiêu cực,... chẳng hạn) được đông đảo bạn đọc tìm mua. Những tờ báo như vậy thường có số phát hành lớn và bán chạy, thu hút mạnh quảng cáo (có khi báo kèm theo mấy trang quảng cáo riêng), từ đó sẽ đem lại nguồn thu cho tờ báo.

Về báo mạng, nhất là MXH đã và đang tràn ngập, Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh: “Có lẽ đã đến lúc không nên đặt báo chí truyền thống và MXH ở tư thế đối lập nhau, mà cần nghĩ đến chuyện phải làm gì để có thể đạt được hiệu quả truyền thông lớn nhất, tích cực nhất trong một môi trường truyền thông đã và sẽ có rất nhiều thay đổi” (báo đã dẫn).

Vậy có cần “đãi cát lấy vàng”?

Cục trưởng Cục Báo chí đã nói, “gần đây, nhiều nhà báo ngày càng có xu hướng trở thành những người kể chuyện. Tất nhiên, kể chuyện ở đây không phải là kể chuyện hư cấu, mà là năng lực chắt lọc những vấn đề trong cuộc sống và năng lực biến nó thành một câu chuyện hấp dẫn với người đọc/ người nghe...”. Đây là một đòi hỏi đặt ra cho người viết báo, rằng anh phải có năng lực phát huy trên tất cả các không gian truyền thông, kể cả không gian MXH. Về điều này, ông Lâm nhấn mạnh: “Khi tham gia MXH, nhà báo phải hiểu rõ mình là một nhà báo, chứ không phải là một công dân thuần túy, cho nên trách nhiệm xã hội của anh phải khác trách nhiệm xã hội của một công dân”. Lại thêm một đòi hỏi nữa. Bao lâu chúng ta đã nghe nhắc đi nhắc lại cụm từ “cái tâm nhà báo” gắn với “trách nhiệm xã hội”, phải giữ cho thật trong sáng; phải chịu đi săn tin, cọ xát với thực tế, đưa được hơi thở cuộc sống xã hội vào tư duy - có tâm và có tầm - khi tạo ra tác phẩm báo chí của mình.

Để sống chung với mạng xã hội?

Ai cũng thấy MXH có thông tin thật, có thông tin giả và “giả mà như thật”. Với thông tin thật, không ít trường hợp MXH giúp người ta tìm được người thân đã thất lạc lâu năm hoặc qua MXH giúp người ta phát hiện hay khám phá ra những cái mới ở đâu đó có lợi cho đời sống hay những mách bảo, sẻ chia kinh nghiệm quý giá nào đó để mọi người cùng áp dụng có hiệu quả…

Còn với thông tin “giả mà như thật” khả dĩ đánh lừa thị hiếu, dối gạt người nhẹ dạ cả tin đến độ ngộ nhận, phao tin đồn thất thiệt một cách vô tư… thì thật đáng phê phán, ngay trong các bình luận trên mạng mà ta đã thấy. Ngày nay, với công nghệ cao, bọn xấu có thể cắt ghép “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, tạo ra các thông tin “giật gân” giả tạo làm tổn hại người nổi tiếng,...

Như trên kênh YouTube có trang mạng Góc nhìn Hoàng Duy Hùng do Tiến sĩ Luật học, luật sư Hoàng Duy Hùng - cũng là một nhà báo nghiệp dư nhưng viết rất chắc tay, có tâm, có tầm - Tôi rất ấn tượng hình ảnh ông ngồi trước tấm phông rộng có lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, nghiêm khắc bình luận, phản biện về một thông tin bịa đặt đầy ác ý vu vạ cho một nhân vật VIP…

Dù sao báo giấy vẫn cần tồn tại?

Vâng, đúng như Cục trưởng Cục Báo chí đã nói: “... có lúc người ta mệt mỏi với những thông tin xen lẫn thật - giả tràn lan trên mạng”. Lúc đó người ta sẽ chỉ quay về với báo chí chính thống, trong đó có báo giấy. Do lẽ, người ta có thể bị nhầm với thông tin giả dối một lần, chứ cứ tung đi tung lại những tin thất thiệt đầy ác ý thì ai mà chịu nổi. Phải tẩy chay thôi! Và lúc đó, rất cần những tờ báo giấy có chất lượng, tạo ra được nhiều “món ăn tinh thần” bổ ích khiến người ta phải tìm đọc…

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết