Tiếng Việt | English

08/06/2023 - 09:29

Chuyển đổi số trên các lĩnh vực

Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số là mục tiêu mà tỉnh Long An hướng đến nhằm tạo những giá trị mới trong quản lý, vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH. Chuyển đổi số (CĐS) đang được triển khai, thực hiện trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Trên lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Đầu tháng 6/2023, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) đến Trung tâm Hành chính công TP.Tân An để chuyển mục đích sử dụng đất. Bà Hương chia sẻ: “Tôi ở nhà làm nội trợ nên không biết gì về các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan lĩnh vực đất đai. Đến đây, tôi được hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Ngoài các loại giấy tờ liên quan, tôi còn biết cách nhập dữ liệu, thời gian hẹn trả hồ sơ,…”.

Cán bộ, công chức, viên chức Trung tâm Hành chính công TP.Tân An tra cứu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP.Tân An - Võ Văn Thang thông tin, Trung tâm có khu trang bị máy tính chuyên dùng, máy scan cho người dân, doanh nghiệp đến làm các TTHC. Ở đây, cán bộ chỉ hướng dẫn chứ không làm thay để người dân có thể thao tác, tra cứu hồ sơ đất đai và đăng ký trên cổng thông tin trực tuyến.

Trong công tác CĐS, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại Sở như mạng LAN, WAN, đường truyền dữ liệu chuyên dùng, máy chủ, máy trạm tích điện, hệ thống tường lửa,... nhằm bảo đảm tốt cho việc triển khai CĐS. Hệ thống thông tin đất đai được đầu tư nâng cấp với hầu hết các phòng, đơn vị trực thuộc Sở được trang bị mạng diện rộng WAN và mạng nội bộ LAN. Hệ thống trang tin điện tử, hệ thống phần mềm Quản lý đất đai hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Hướng dẫn người dân thao tác dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực đất đai

Hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Là ngành đảm nhận nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, Sở chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan lãnh, chỉ đạo phù hợp tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền. Sở xây dựng kế hoạch 5 năm của ngành về CĐS theo định hướng Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, ngành hoàn thiện dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (VILG) do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư. Từ cơ sở dữ liệu này đã chia sẻ các trường dữ liệu cho ngành Công an gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư để tích hợp, thực hiện dịch vụ thiết yếu theo chủ trương của Chính phủ. Ngành cũng chia sẻ dữ liệu này cho cơ quan thuế để giải quyết thủ tục, hồ sơ về đất đai.

Thanh toán dịch vụ công trực tuyến đối với người sử dụng đất cơ bản, thực hiện từ năm 2021 đến nay. Qua đánh giá, khảo sát, người dân phản ánh rất thuận lợi cho họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, không cần đi lại mất nhiều thời gian. Thời gian tới, ngành tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, bảo đảm hoàn thiện, đầy đủ giữa dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính, đặc biệt là trong số hóa hồ sơ.

Tiên phong trong chuyển đổi số

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Huỳnh Cao Chánh, hạ tầng số trong cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trong giai đoạn hiện nay; 100% sở, ngành tỉnh, UBND các cấp triển khai đồng bộ, thông suốt mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính và các thiết bị liên quan phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cùng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung là nơi thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu trên tất cả lĩnh vực

Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư, nâng cấp phù hợp tiêu chuẩn trung tâm dữ liệu theo quy định, bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Đến nay, tỉnh triển khai 22 dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dùng chung nội bộ tỉnh, giữa tỉnh với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số được tập trung triển khai. Các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh phát huy hiệu quả tốt, dần chuyển các hoạt động chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của chính quyền lên môi trường số, dựa vào dữ liệu và công nghệ số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn cho các cơ quan. Nổi bật là Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; phần mềm Một cửa điện tử; tập trung giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai các ứng dụng: "Long An IOC" phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trên môi trường số; nền tảng “Long An Số” phục vụ người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển xã hội số; đưa vào hoạt động Tổng đài 1022 (qua đầu số 02721022); Cổng thông tin 1022 tại địa chỉ https://1022.longan.gov.vn, phục vụ tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân trên môi trường số.

Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đã đạt, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới. Vì vậy, Sở luôn giám sát, duy trì, khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin đã triển khai, nhất là phát huy tối đa hiệu quả Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền sâu, rộng về CĐS, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng đoàn viên, thanh niên trong thúc đẩy phát triển xã hội số; phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu CĐS vào năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

CĐS là cuộc cách mạng mang tính toàn dân, toàn diện; là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh; bảo đảm sự vào cuộc, lãnh đạo tập trung của các cấp ủy Đảng, điều hành quyết liệt của chính quyền, sự tham gia tích cực của các cơ quan chuyên môn, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân. CĐS trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm các yếu tố: Lấy người dân làm trung tâm; nhận thức đóng vai trò quyết định; chuyển đổi cơ chế, chính sách và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước là giải pháp quan trọng; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt./.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. 100% cán bộ, đảng viên được trang bị máy tính có kết nối mạng nội bộ, kết nối Internet phục vụ công việc và bảo đảm an toàn an ninh mạng thông qua thiết bị bảo vệ tường lửa tại cơ quan. 100% hồ sơ công việc, hồ sơ hành chính được xử lý, lưu trữ, quản lý, tra cứu trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Sử dụng hiệu quả phần mềm Một cửa điện tử nhằm quản lý, cung cấp, triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Phối hợp tốt Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xếp hạng 2/19 sở, ngành tỉnh về kết quả xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai

Ngành Nông nghiệp triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ, phục vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, qua đó, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân tiếp cận, thực hiện CĐS trong nông nghiệp. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử;...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết