Tiếng Việt | English

31/05/2023 - 11:17

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đóng góp Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, vào chiều 30/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đối với 2 dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia đóng góp đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đại biểu Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết số 54 hiện hành. Tuy nhiên, với nhiều cơ chế, chính sách mới trên các lĩnh vực đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy thì có tạo ra các điều kiện cho TP.HCM “cất cánh” theo quan điểm, mục tiêu được nêu ra trong Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không, đại biểu Hoàng Văn Liên còn băn khoăn vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Văn Liên còn đề nghị, cần quy định và hướng dẫn rõ cơ chế “Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao” nhằm tránh tăng nhiều loại phí cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, làm rõ cơ chế ủy quyền, có mở rộng cơ chế này trong các hoạt động tư pháp không, cũng như hiệu lực thi hành văn bản thực hiện theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Cùng tham gia đóng góp đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã giúp cho thành phố không gian phát triển mới, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy được sự năng động, sáng tạo cũng như tháp gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, có nhiều chính sách khác đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có 2 năm thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nên chưa có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết dẫn đến một số nội dung thực hiện còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao; một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm.

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An thống nhất việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông

Từ đó, đại biểu Lê Thị Song An thống nhất cần phải ban hành nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết số 54, trong đó, bổ sung các cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội. Đồng thời, góp phần tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển KT-XH của vùng và cả nước trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực; trong đó có nhiều chính sách mới, tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước và đời sống, xã hội; chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành. Qua đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá thật kỹ các nguồn lực để triển khai thực hiện, dự báo trước các khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp khắc phục. Đặc biệt, là phải giao trách nhiệm cụ thể cho bộ, ngành, địa phương, với lộ trình, tiến độ, thời gian hoàn thành cụ thể thực hiện. Bởi, nếu không quy định cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng trì hoãn, kéo dài, cũng như khó tránh khỏi hiện tượng đùn đẩy qua lại giữa các cơ quan, dẫn đến việc triển khai thiếu đồng bộ, khó mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, với việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, đại biểu Lê Thị Song An cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm sửa đổi các quy định hiện hành để các địa phương khác được triển khai thực hiện, nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương đối với các tuyến đường giao thông trọng điểm, quan trọng tại các địa phương. Đồng thời, cần quy định rõ cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Bởi vì hiện nay, nội dung này ở nước ta chỉ có Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zon, còn nhiều quy định pháp cần phải tiếp tục hoàn thiện để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết