Tiếng Việt | English

04/11/2019 - 08:05

Thắt chặt tình làng, nghĩa xóm

Tinh thần đoàn kết, yêu nước đã được hình thành, củng cố và phát triển trong hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là một truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) đã được nâng tầm cao mới, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng.

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh, Ngày hội ĐĐKTDT được tổ chức hàng năm ở các địa phương nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam (18/11 hàng năm), vừa khơi dậy truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và củng cố vững chắc khối ĐĐKTDT. Qua đó, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ĐĐKTDT trong thời kỳ mới; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, đây còn là dịp biểu dương các tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương,...

Nhiều năm qua, việc tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT ở khu dân cư đã trở thành sinh hoạt xã hội rộng rãi ở từng cộng đồng dân cư trong cả nước nói chung và từng địa phương, địa bàn dân cư nói riêng.

Để Ngày hội ĐĐKTDT được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia và xem đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tạo thành nền nếp và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, cần có sự tập trung chỉ đạo đồng bộ của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền và sự vào cuộc của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo của cơ sở. Phần lễ nên tổ chức ngắn gọn, trang trọng; dành nhiều thời gian cho các nội dung của phần hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, gia tăng tính cố kết, gắn bó trong cộng đồng. Đồng thời, cần khéo léo lồng ghép nội dung của cuộc vận động vào ngày hội để tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của những người có uy tín trong cộng đồng, doanh nghiệp, mạnh thường quân,… tạo sự nhất trí, chung sức, chung lòng trong xây dựng, phát triển quê hương, nhất là cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các hoạt động xã hội - từ thiện ở địa phương để người dân vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng đời sống mới.

Qua nhiều lần tổ chức, Ngày hội ĐĐKTDT đã, đang thực sự trở thành ngày hội của người dân, là sợi dây gắn kết nghĩa tình cộng đồng, thêm chất keo khắng khít, gắn bó, đoàn kết trong khu dân cư. Từ đó, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận với các tầng lớp nhân dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào một ngày mai tươi sáng được củng cố vững chắc.

Ý Đảng, lòng dân hòa quyện chính là nguồn lực và là động lực quan trọng nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

Tân An

Chia sẻ bài viết