Nghị quyết đã tăng từ 37 ngành, nghề lên 56 ngành nghề
Tỉnh Long An đã có quyết định bổ sung danh mục ngành nghề được hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực trình độ Cao đẳng từ khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024 đến năm học 2025 - 2026 để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết số 31).
Theo quyết định do UBND tỉnh Long An ban hành ngày 02/10/2024, có 19 danh mục ngành nghề được bổ sung vào danh mục ngành nghề được hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết số 31.
Cụ thể, nhóm ngành, nghề khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và đào tạo, báo chí thông tin và kinh doanh gồm có các nghề: Hành chính logistics, quản lý vận tải và dịch vụ logistic.
Nhóm ngành, nghề kỹ thuật và công nghệ thông tin gồm có: Công nghệ vi mạch bán dẫn, tự động hóa nông nghiệp kỹ thuật cao, tự động hóa công nghiệp, thiết kế mạch điện tử trên máy tính, lắp đặt bảo trì hệ thống năng lượng tái tạo, tin học viễn thông ứng dụng, xử lý dữ liệu, bảo trì hệ thống sản xuất tự động, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, xử lý nước thải công nghiệp, công nghệ vật liệu, bảo trì thiết bị cơ điện.
Nhóm ngành, nghề nông, lâm, ngư nghiệp và thú y gồm có: Nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ.
Nhóm ngành, nghề du lịch, dịch vụ, môi trường gồm có: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, điều hành tour du lịch, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, kỹ thuật pha chế đồ uống.
Như vậy, Nghị quyết số 31 đã nâng lên 56 ngành, nghề nằm trong diện được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng từ khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024 đến năm học 2025 - 2026 để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Còn trước đó, theo nghị quyết này chỉ có 37 ngành nghề.
Cụ thể, ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 31/NQ-HĐND về đào tạo nguồn nhân lực trình độ Cao đẳng từ khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024 đến năm học 2025 - 2026 để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Ngày 18/8/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 7562/QĐ-UBND về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 31.
Theo Nghị quyết số 31, danh mục ngành, nghề đào tạo nhân lực trình độ Cao đẳng để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh gồm có 37 ngành, nghề ở 5 nhóm.
Cụ thể, nhóm ngành, nghề Khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và đào tạo, báo chí thông tin và kinh doanh gồm có: Bán hàng trong siêu thị, logistics.
Nhóm ngành, nghề kỹ thuật và công nghệ thông tin gồm có: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ ôtô, lắp đặt thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, hàn, lập trình gia công trên máy CNC, điện công nghiệp, cơ điện tử, sửa chữa thiết bị may, kỹ thuật máy nông nghiệp, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, vận hành và sửa chữa thiết bị lạnh, công nghệ kỹ thuật và điều khiển tự động hóa, công nghệ kỹ thuật hệ thống năng lượng mặt trời, quản trị mạng máy tính, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm).
Nhóm ngành, nghề sản xuất, chế biến, xây dựng gồm: May thời trang, thiết kế thời trang, kỹ thuật xây dựng, cơ khí xây dựng, chế biến lương thực, chế biến thực phẩm.
Nhóm ngành, nghề nông, lâm, ngư nghiệp và thú y gồm: Thú y, chăn nuôi, kỹ thuật trồng rau, hoa công nghệ cao, chọn và nhân giống cây trồng, bảo vệ thực vật, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến và bảo quản thủy sản, chăn nuôi và chế biến thịt bò, công nghệ sau thu hoạch.
Nhóm ngành, nghề du lịch, dịch vụ, môi trường gồm: Quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, hướng dẫn du lịch.
Tổng số lượng đào tạo trình độ Cao đẳng từ khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024 đến năm học 2025 - 2026 là 5.000 người. Trong đó, khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024 là 1.200 người; năm học 2024 – 2025 là 1.600 người; năm học 2025-2026 là 2.200 người. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh.
Đối tượng áp dụng là sinh viên có nơi thường trú tại tỉnh tốt nghiệp THPT học nghề trình độ Cao đẳng theo hình thức chính quy với các ngành nghề quy định tại Nghị quyết này.
Các trường cao đẳng công lập. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng ngân sách đào tạo trình độ Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, Kết luận số 901-KL/TU, ngày 11/4/2024 của Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và lưu ý về việc nghiên cứu, xây dựng Đề án, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Tỉnh ủy. Trong đó, khuyến khích, ưu tiên thu hút các ngành, nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của tỉnh trong dài hạn như các ngành công nghệ chế biến, chế tạo, chíp bán dẫn, cơ khí chính xác, các chương trình đào tạo tín chỉ carbon,...
Việc tăng danh mục ngành nghề được hỗ trợ đào tạo để đáp ứng với sự phát triển của tỉnh
Đồng thời, căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ định hướng thu hút phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, logistics, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Vì vậy, dự kiến trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đến hoạt động trên địa bàn tỉnh về các lĩnh vực, ngành nghề nêu trên.
Trước nhu cầu này, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan rà soát và tham mưu tỉnh các ngành, nghề cần bổ sung vào danh mục được hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết số 31.
Trên cơ sở đề xuất của các cấp, các ngành, ngày 30/5/2024, UBND tỉnh có công văn đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cho chủ trương bổ sung thêm 19 ngành, nghề đào tạo được hỗ trợ theo Nghị quyết số 31 và được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất theo đề nghị này./.
Theo Nghị quyết số 31, tổng số lượng đào tạo trình độ Cao đẳng từ khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024 đến năm học 2025 - 2026 là 5.000 người. Trong đó, khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024 là 1.200 người; năm học 2024 – 2025 là 1.600 người; năm học 2025-2026 là 2.200 người. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh. |
Lê Đức