Tiếng Việt | English

20/06/2022 - 15:01

Tự do báo chí hay tự do vi phạm luật pháp?

Vụ việc Tổ chức “Phóng viên không biên giới” (RSF) nhân Ngày Tự do báo chí quốc tế (03/5/2022), công bố xếp hạng báo chí Việt Nam đứng cuối trong bảng đánh giá về Tự do báo chí đã gây phản ứng, bức xúc trong dư luận.

Đài Á châu tự do (RFA) xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam

Trước đó, Đài Á châu tự do (RFA) cũng đã xuyên tạc đưa tin “Số nhà báo bị cơ quan chức năng Việt Nam bỏ tù một cách tùy tiện trong năm 2021 là 43 người... Với con số này, Việt Nam nằm trong số 5 nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới”... khiến dư luận bất bình vì những nhà báo bị bắt mà RSF, RFA đưa tin phần lớn đều phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đó là “nhà báo tự phong” Lê Văn Dũng (Dũng Vova), 3 lãnh đạo “tự phong” của “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn (2/3 lãnh đạo của hội này đều ở tuổi "gần đất xa trời" 54, 72); rồi blogger Nguyễn Tường Thụy của Đài Á châu tự do;... Những nhà báo này đều "nổi danh như cồn" vì tội chống phá Nhà nước, chế độ.

Chiêu bài “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” cùng với vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” là chiêu bài thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Do vậy, trên các mạng của các hãng truyền thông quốc tế thù địch với Việt Nam luôn nhan nhản các bài viết xuyên tạc, vu khống tình hình tự do báo chí Việt Nam, nào là “Các bản án tù khắc nghiệt và tự do báo chí tại Việt Nam (RFA)”, “Bắt bớ các nhà báo thể hiện Việt Nam là nhà nước độc đoán” (RFA); “Sửa đổi Nghị định 159, Việt Nam siết báo chí và giúp nhóm lợi ích?” (BBC),...

Trong khi thực tế đã khẳng định, quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng là những quyền được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam tôn trọng. Tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946 của nước ta đã khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Theo quá trình phát triển, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam bảo đảm và điều này không hề thay đổi cho đến bản Hiến pháp năm 2013 và sự ra đời của Luật Báo chí năm 2016.

Hiện nay, cả nước có gần 800 cơ quan báo chí (phần lớn là báo chí đa phương tiện); hơn 600 tạp chí; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập với đầy đủ tất cả thể loại: Báo giấy, báo tiếng, báo hình, báo điện tử. Rõ ràng, sự lớn mạnh này chẳng thể xuất hiện dưới một thể chế mà như các luận điệu xuyên tạc mô tả, là sự phát triển của báo chí bị bóp nghẹt.

Việt Nam cũng là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với khoảng 70 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Việt Nam xếp thứ 6 về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (khu vực Đông Nam Á). Với mục tiêu phấn đấu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao,... Nhà nước tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do tiếp cận Internet; được bày tỏ chính kiến trên báo chí, trên không gian mạng, được bảo đảm quyền tự do ngôn luận - nếu chấp hành các quy định của pháp luật.

Thế nhưng, bất chấp những bước tiến vượt bậc trong thực hiện quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng đã được cả thế giới công nhận, thì các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, lực lượng phản động vẫn cố tình bóp méo, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Chúng lớn tiếng cho rằng Việt Nam “không có tự do báo chí”, “không có tự do Internet”,... Thực tế thời gian qua, có hàng loạt vụ việc mà sự lên tiếng, phản biện nhiều chiều, mang tính xây dựng của báo chí đã góp phần quan trọng, mang lại hiệu quả xã hội. Trên tinh thần lắng nghe, nhiều cơ quan chức năng đã có những điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn. Có thể nói, báo chí Việt Nam đã đóng góp tiếng nói mạnh mẽ trong phản ánh thực tế phát triển của đất nước với những góc nhìn phản biện, đa chiều, phản ánh cả hạn chế, thiếu sót, không tô hồng nhằm góp một tiếng nói xây dựng.

Như vậy, không có chuyện Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí, quyền tự do sử dụng Internet, mạng xã hội. Một vài đối tượng từng là nhà báo hoặc “nhà báo tự phong”, “quan chức nhà báo tự phong” bị bắt, phạt tù vì vi phạm pháp luật là hết sức bình thường vì những đối tượng này bị bắt không phải vì họ làm nghề viết báo mà là vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong khi không phải ai viết bài, tung lên mạng cũng là “nhà báo”; không phải tất cả những kẻ “vào lò” đều là “nhà báo”. Không phải những kẻ từng viết báo, từng là nhà báo, khi đã bị khai trừ ra khỏi tổ chức, tịch thu thẻ nhà báo vẫn là “nhà báo”.

Luật Báo chí Việt Nam hiện hành cũng quy định những điều báo chí không được làm: Báo chí không được kích động nhân dân chống Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác; đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân... Việc quy định những điều cấm như trên là để nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia, các tổ chức, cá nhân và toàn dân./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết