Tiếng Việt | English

08/05/2017 - 15:17

Trường Tiểu học Lê Minh Xuân:

Giáo dục học sinh qua các hoạt động trải nghiệm

Trường Tiểu học Lê Minh Xuân (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) chú trọng gắn việc dạy lý thuyết với vận dụng kiến thức, trải nghiệm thực tế cho học sinh. Nhờ đổi mới phương pháp dạy và học này, học sinh phát huy khả năng sáng tạo. Đặc biệt, qua những lần trải nghiệm thực tế, học sinh năng động, đoàn kết và tự hào về truyền thống lịch sử hơn.

Học sinh chăm sóc tượng Lê Minh Xuân và dọn dẹp vệ sinh sân trường

Thông qua chủ điểm hàng tháng, trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm thực tế cho học sinh tham gia.Từ các hoạt động đơn giản: Dọn vệ sinh, chăm sóc tượng Lê Minh Xuân tại trường, thắp hương tại bia tưởng niệm ở địa phương, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng đến các chuyến đi trải nghiệm thực tế trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), trường tổ chức cho học sinh tham quan Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ).

Tại đây, các em được tìm về cội nguồn, hiểu thêm về một phần lịch sử hào hùng của quân và dân Long An trong những năm kháng chiến chống quân xâm lược, được thăm căn cứ, nơi đóng quân và làm việc của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng.


Học sinh thắp hương tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh

"Tham gia chuyến đi thực tế ở Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh, em biết thêm về thiên nhiên, con người, sự sáng tạo của quân và dân ta thời chiến. Và sau chiến tranh, những gì còn sót lại là những minh chứng lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Ngoài tham quan, lắng nghe về truyền thống cách mạng, em còn được tham gia chơi trò chơi, tham quan vườn chuối của chú Võ Quan Huy ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ. Qua chuyến đi, em thấy mình học hỏi được rất nhiều điều bổ ích" - em Nguyễn Lê Phương Minh - học sinh lớp 5/2 cho biết.

Giáo viên cùng tham gia chuyến trải nghiệm với các em, cô Phạm Thị Thanh Lan chia sẻ: Nhờ chuyến đi trải nghiệm này, học sinh được thấy tận mắt, cảm nhận phần nào về cuộc sống và hoạt động của các chiến sĩ, giúp các em hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả của thời chiến tranh. Từ đó, các em thêm yêu quê hương, tự hào về truyền thống hào hùng và biết ơn những hy sinh của các thế hệ đi trước. Và có lẽ, phương pháp cho trẻ được nhìn, được nghe, được cảm nhận là điều vô cùng cần thiết trong giáo dục vì nó sẽ mang lại những hiệu quả với giá trị vững chắc ở mỗi chuyến đi trải nghiệm.

Học sinh tham quan Khu di tích Lịch sử Cách mạng tỉnh

Ngoài ra, ở các buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, học sinh khối 4, 5 lần lượt kể những mẩu chuyện về Bác Hồ. Nhiều học sinh thể hiện năng khiếu trong kể chuyện, rèn luyện sự tự tin trước đám đông và rút ra cho mình những bài học, kinh nghiệm bổ ích trong học tập và cuộc sống.

"Thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, học sinh được bổ sung các kỹ năng sống, bồi dưỡng năng khiếu, sở trường. Học sinh có cơ hội phát triển toàn diện hơn ngay từ bậc tiểu học. Nhờ hiệu quả của các hoạt động giáo dục cho học sinh, nhà trường cũng nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, tạo điều kiện, phối hợp cùng nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh và giáo dục toàn diện cho các em" - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Minh Xuân - Trương Văn Phước cho biết./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết