Tiếng Việt | English

16/10/2018 - 18:28

Hỏi – đáp những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Câu 1: Việc không lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch đối với dự án quy hoạch đầu tư xây dựng có đúng không?

Trả lời:

Để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này, khoản 2 Điều 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 quy định dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch về báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án. Sau khi được phê duyệt phải công khai quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án, báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.

Do vậy, việc không lấy ý kiến của Nhân dân địa phương nơi quy hoạch là không đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định: Dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định; Dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định, phê duyệt phải được công khai để nhân dân giám sát.

Câu 2: Trong lĩnh vực giáo dục, những nội dung phải được công khai, minh bạch được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, trong lĩnh vực giáo dục phải công khai, minh bạch những nội dung sau:

1. Việc tuyển sinh, thi, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ phải được công khai.

2. Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục phải công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nguồn tài chính cho hoạt động giáo dục; khoản hỗ trợ, các khoản đầu tư cho giáo dục và khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở giáo dục công lập phải công khai cam kết chất lượng giáo dục và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, việc thu, quản lý, sử dụng học phí, lệ phí tuyển sinh, các khoản thu từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, khoản hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục và khoản thu, chi tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Câu 3: Pháp luật quy định về vấn đề công khai, minh bạch trong lĩnh vực y tế như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Luật Phòng, chống tham nhũng, trong lĩnh vực y tế phải công khai, minh bạch những nội dung sau:

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề y, dược tư nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở hành nghề y, dược phải được công khai.

2. Cơ quan quản lý y tế, cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước phải công khai việc thu, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, giá thuốc, việc thu, quản lý, sử dụng các loại phí liên quan đến việc khám, chữa bệnh và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Câu 4: Theo quy định của pháp luật thì trong công tác tổ chức, cán bộ có phải công khai không?

Trả lời:

Theo Điều 30 Luật phòng, chống tham nhũng thì trong công tác tổ chức - cán bộ, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây:

1. Tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức;

3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức;

4. Chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đối với cán bộ, công chức, viên chức;

5. Nâng lương, thưởng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác;

6. Việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc.

Câu 5: Báo cáo hàng năm về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp có được công khai không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng thì hằng năm, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng phải được công khai./.

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh Long An

Chia sẻ bài viết