Tiếng Việt | English

15/10/2021 - 10:04

Cách hạn chế người lạ vào phá lớp học trực tuyến

Lọc đăng nhập bằng đuôi email trường, sử dụng hế thống e-learing để tạo lớp học, hạn chế quyền của người học... là những giải pháp chống người lạ xâm nhập phá lớp học.

Tham gia các lớp học trực tuyến, không chỉ giảng viên mà sinh viên cũng phải hết sức lưu ý để hạn chế lộ thông tin lớp học ra ngoài - Ảnh: T.P.

Tham gia các lớp học trực tuyến, không chỉ giảng viên mà sinh viên cũng phải hết sức lưu ý để hạn chế lộ thông tin lớp học ra ngoài - Ảnh: T.P.

Lớp học trực tuyến liên tục bị người lạ vào phá, chiếm quyền kiểm soát. Có nhiều giải pháp để chống tình trạng này triệt để.

Theo ThS Nguyễn Minh Triết - giám đốc Trung tâm dạy học số Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - mới đây, một giảng viên của trường cũng bị kiểm soát hoàn toàn máy tính và quyền điều khiển lớp học trực tuyến.

Theo ông Triết, máy tính của giảng viên này nhận được tập tin chứa virus do người khác gửi. Máy tính bị đối tượng kiểm soát từ xa, mật khẩu email cũng bị dò ra, nắm quyền điều khiển lớp học.

Hiện giảng viên trường sử dụng nhiều nền tảng khác nhau như Zoom, Google Meet, Micosoft Teams để dạy trực tuyến. Trước đó, giảng viên đều được tập huấn cách sử dụng cũng như thiết lập khi sử dụng các nền tảng này để đảm bảo an toàn cho lớp học, hạn chế tình trạng người lạ vào phá.

"Giảng viên cần phải được tập huấn cách tạo và quản lý tài khoản lớp học trực tuyến. Thực tế không phải giảng viên nào cũng nắm rõ các công cụ và kỹ thuật để quản trị lớp học. Có giảng viên phó mặc, giao cho lớp trưởng tạo link lớp học, để ở chế độ public. Khi đó giảng viên không phải là người điều phối, không có quyền thiết lập các quyền của người quản trị lớp học. Như vậy rủi ro rất cao" - ông Triết nói thêm.

Tương tự, ThS Huỳnh Thanh Quảng - phó trưởng phòng phụ trách phòng công nghệ thông tin Trường đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay giảng viên được tập huấn cách sử dụng, nhất là thiết lập lớp học trên các nền tảng trực tuyến về cách kiểm soát người vào lớp, các quyền sử dụng để đảm bảo lớp học an toàn.

Theo ông Quảng, phải có tập huấn để giảng viên giám sát, thiết lập kiểm soát được lớp học chứ tình trạng hiện nay rất nguy hiểm.

Hiện nay một số nền tảng có chức năng xét duyệt vào lớp. Trong khi đó Zoom chỉ cần địa chỉ và mật khẩu, bất kỳ ai cũng có thể vào được. Để hạn chế rủi ro rò rỉ thông tin lớp học, ông Phạm Minh Tâm - giám đốc Trung tâm Quản lý công nghệ thông tin Trường đại học Công nghệ TP.HCM - cho rằng giảng viên chỉ gửi thông tin vào lớp khi gần đến giờ học, không gửi trước quá sớm, có thể giảm thiểu khả năng thất thoát thông tin lớp.

Thực hiện kiểm duyệt khi vào lớp bằng cách điểm danh, đảm bảo sĩ số lớp đúng với lớp của mình và không có ai là người lạ. Tắt tính năng chia sẻ màn hình của học viên, tắt micro của mọi người, chỉ bật micro khi ai đó giơ tay phát biểu.

"Những trường hợp có phát biểu lạ, không phù hợp, có thể nhanh chóng trao đổi và mời ra khỏi lớp để đảm bảo không ảnh hưởng đến các bạn khác" - ông Tâm chia sẻ.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Quảng cho biết những trường có hệ thống e-learning nên tạo link lớp học Zoom qua hệ thống này. Khi đó link lớp học sẽ được mã hóa. Sinh viên đăng nhập qua hệ thống e-learning bằng tài khoản email do trường cấp. Người lạ dù có đường link lớp học cũng không thể vô lớp học được.

"Với những trường không có hệ thống e-learning vẫn có thể sử dụng bộ lọc đăng nhập để hạn chế người lạ vào lớp học. Ngay cả Zoom cũng có chức năng xác thực tên miền. Do đó, trường và giảng viên có thể cài đặt xác thực bằng đuôi email của trường để loại bỏ những người đăng nhập bằng các đuôi email khác" - ông Quảng nói thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Triết cho rằng có những kỹ thuật giảng viên cần phải biết để thiết lập. Chẳng hạn ở chế độ public, Google Meet cho phép người trong lớp có thể mời hoặc "đá" thành viên trong lớp ra khỏi phòng.

"Giảng viên phải thiết lập và hạn chế quyền của người học trong lớp của mình. Ngoài ra, cần sử dụng xác thực tên miền đăng nhập (đuôi email của trường) để duyệt người vào lớp. Với nền tảng Zoom, người biết mật mã gồm 4 chữ số của lớp học có thể chiếm quyền kiểm soát lớp học. Giảng viên cần tắt chức năng này để người khác không thể tìm ra mật mã, kiểm soát lớp học, "đá" giảng viên ra khỏi lớp" - ông Triết cho hay./.

Tránh chia sẻ thông tin lớp học

Ngoài thiết lập của giảng viên, sinh viên cũng cần hết sức lưu ý để tránh rò rỉ thông tin lớp học, bị người lạ lợi dụng phá rối lớp học.

Theo ông Phạm Minh Tâm, vì tính tiện lợi, Zoom cho phép người tham gia lớp học online chỉ cần nhập đúng số ID và mật khẩu là có thể vào lớp. Một số người học vô tình hay cố ý, lại chia sẻ ID và mật khẩu của lớp mình lên các hội nhóm mạng xã hội, “rủ vào học chơi”. Điều đó dẫn đến tình trạng một số kẻ xấu có được thông tin, vào các lớp học, sau đó phá rối trong lớp học.

"Sinh viên tránh chia sẻ thông tin đăng nhập vào lớp học trên các diễn đàn, hội nhóm để tránh thông tin bị kẻ xấu có được. Ngoài ra, nếu nhận thông tin vào lớp qua email, cũng cần có biện pháp bảo vệ tài khoản email của mình (như bật xác thực 2 bước) để tránh email bị kẻ xấu chiếm giữ và vào xem thông tin" - ông Tâm cho biết.

Minh Giảng/ TTO

Chia sẻ bài viết