Tiếng Việt | English

29/08/2016 - 15:16

Cây mật nhân không chữa được bách bệnh

Cây mật nhân đang được nhiều người xem là thần dược cho sức khỏe nhưng sự thật hoàn toàn khác hẳn.

 Theo TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - trưởng phòng đào tạo nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cây mật nhân có tên khoa học Eurycoma longifolia Jack, thuộc họ Thanh Thất (Simarubaceae). Trong dân gian thường gọi cây mật nhân là cây bách bệnh hay cây bá bệnh.

 “Thần dược”?

Nhân viên một điểm bán củ (rễ) mật nhân trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết mật nhân bán ở đây có 3 dạng: củ tươi giá 80.000 đồng/kg, dạng thái lát phơi khô có giá 150.000 đồng/kg và dạng viên (được xay nhuyễn, trộn với mật ong và sâm rừng rồi vò viên) giá 800.000 đồng/kg.

Theo người bán, mật nhân có thể dùng để ngâm rượu hoặc đun nước uống hằng ngày. Củ này dùng cho phụ nữ và đàn ông đều rất tốt. “Mỗi cây mật nhân chỉ có một củ, khi đào củ là cây chết, mỗi cây cũng phải 3-4 năm mới lấy được củ. Đa số là chúng tôi bán cho các mối, còn bán lẻ tẻ thì ít thôi” - người này cho biết.

Theo một số điện thoại chuyên cung cấp các loại dược liệu trên mạng, chúng tôi tìm đến cửa hàng dược liệu này ở Q.Gò Vấp (TP.HCM). Ở đây chỉ bán mật nhân được bào lát mỏng, phơi khô và đóng gói thành túi 1kg, giá 120.000 đồng.

Một tờ giấy hướng dẫn sử dụng và ghi rất nhiều công dụng của mật nhân được đóng luôn vào gói thuốc.

Nhân viên nói loại dược liệu này đặc biệt rất tốt cho đàn ông và nhiều người tìm mua.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua củ tươi thì nhân viên cửa hàng nói cái này đưa từ ngoài Bắc vào nên muốn mua củ tươi thì hơi khó.

Không có tác dụng chữa nhiều loại bệnh

TS.BS Ngọc Lan cho biết những nghiên cứu liên quan đến cây mật nhân trong và ngoài nước khá nhiều, nhưng chỉ xoay quanh công dụng chữa các bệnh sinh lý nam giới, còn những bệnh lý khác thì vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện và cụ thể trong từng bệnh.

Các công trình nghiên cứu về cây này đến bây giờ chưa ai có thể chứng minh cây này chữa được nhiều loại bệnh như quảng cáo là điều trị chống gút, chữa khí hư huyết kém ở phụ nữ, phòng chống ung thư, tăng cường chức năng gan, hỗ trợ tiêu hóa...

TS.BS Ngọc Lan cho rằng rễ hay vỏ thân của cây mật nhân có thể sắc uống mỗi ngày khoảng 15 gam hoặc đem chặt nhỏ, phơi khô, sao vàng rồi ngâm rượu, mỗi lít rượu ngâm khoảng 30 - 40 gam, ngâm trong 20 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 20 - 50ml rượu mật nhân.

Lá cây mật nhân được dùng tắm chữa ghẻ, lở, ngứa.

Tuy nhiên, công dụng tăng cường sinh lực nam giới của cây này chỉ mới được nghiên cứu trong bài thuốc phối hợp với vị thuốc khác.

“Nếu có dùng cây mật nhân, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ để biết cách dùng như thế nào cho đúng, có nên sử dụng loại cây đó để chữa bệnh không, hay phải phối hợp với vị thuốc khác thì mới có hiệu quả” - TS.BS Ngọc Lan nhấn mạnh.

TS.BS Ngọc Lan còn nói tác dụng cây thuốc còn tùy thuộc vào thổ nhưỡng, ví dụ tác dụng tăng cường sinh lực nam giới của cây mật nhân ở Mã Lai (còn gọi tongkat ali) rất tốt nhưng nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy hiệu quả lại không bằng.

Ngay cả việc bào chế cũng phải như thế nào mới có tác dụng. Chẳng hạn như phơi thì phơi âm can hay phơi nắng, có loại phải sắc, có loại phải ngâm mới ra hoạt chất. Nếu sắc, phải sắc trong thời gian bao lâu mới lấy được hoạt chất...

Nói chung là khi sử dụng loại thuốc đông y thì cần phải được bác sĩ tư vấn, đừng nghe đồn thổi về công dụng mà tùy tiện uống, dễ có nguy cơ “tiền mất tật mang”. 

 Phải phối hợp nhiều loại dược liệu

 Theo TS.BS Ngọc Lan, y học cổ truyền là theo bài thuốc, phối hợp nhiều loại dược liệu. Thuốc này có tác dụng hỗ trợ với thuốc kia, gọi là biện chứng luận trị.

Ngoài ra, còn có thể kết hợp các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, giác hơi, cấy chỉ, thủy châm... để chữa bệnh.

Bệnh nhân cũng cần có cách ăn uống, luyện tập phù hợp để nâng cao sức khỏe, tránh tái phát bệnh, cũng như chế độ kiêng khem hợp lý.

“Việc sử dụng thuần túy một vị thuốc đông y để chữa bệnh là không khoa học. Một vị thuốc để chữa cho tất cả các bệnh nhân bị một loại bệnh đã là điều không thể. Mua một loại thuốc chưa chứng minh được kết quả điều trị những bệnh đó, không cần thông qua tư vấn của bác sĩ là một điều rất không nên” - TS.BS Ngọc Lan nói.

Ngọc Loan/tuoitre online

Chia sẻ bài viết