Tiếng Việt | English

05/08/2015 - 05:31

Đã coi tham nhũng là giặc ngoại xâm, sao vẫn chung sống?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: “Chúng ta chưa quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng như quyết tâm đấu tranh với giặc ngoại xâm”.

41% thanh niên Việt Nam sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình và 20% thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để giúp đỡ gia đình hay bạn bè. Đây là hai trong số những kết quả Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2014 (gọi tắt là YIS 2014) do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển & Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp thực hiện.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES, đồng tác giả của YIS 2014 công bố kết quả khảo sát

Sẵn sàng thỏa hiệp để được việc của mình

Những kết quả chính từ cuộc khảo sát cho thấy, thanh niên Việt Nam đề cao các giá trị gắn liền với liêm chính, tuy nhiên họ có xu hướng “nới lỏng” các giá trị này khi đặt chúng bên cạnh vấn đề liên quan đến lợi ích của gia đình hay tình cảm với bạn bè và người thân.

94% số thanh niên được hỏi cho rằng trung thực quan trọng hơn giàu có, 82% cho rằng tuân thủ pháp luật và liêm chính quan trọng hơn giàu có, 89% đồng ý rằng một người liêm chính không gian lận và 95% cho rằng một người liêm chính không nhận hay đưa hối lộ. Khoảng 85% cho rằng thiếu liêm chính rất nguy hại cho đất nước, gia đình và bản thân họ.

Nhưng khi đứng trước các quyết định liên quan đến liêm chính, thanh niên Việt Nam thể hiện xu hướng dễ thỏa hiệp. So với kết quả của cuộc khảo sát đầu tiên thực hiện năm 2011, thanh niên hiện nay có xu hướng coi trọng thu nhập của gia đình và giàu có hơn liêm chính (35% năm 2014 so với 31% năm 2011) và sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình hoặc tình cảm với bạn bè (41% năm 2014 so với 35% năm 2011).

Thanh niên ngày càng mất lòng tin vào các dịch vụ công

Khi được đề nghị lựa chọn các tình huống cụ thể, mức độ sẵn sàng đưa ra những quyết định vi phạm đạo đức của thanh niên đã tăng so với năm 2011. Nhiều thanh niên được hỏi đều sẵn sàng thỏa hiệp giá trị liêm chính để đổi lấy việc đỗ một kỳ thi, xin được một loại giấy tờ nào đó, vào được một trường tốt hay một công ty tốt.

Một kết quả đáng quan tâm khác là đánh giá của thanh niên về tính liêm chính của các cơ quan cung cấp dịch vụ công có xu hướng xấu đi. Năm 2014, tỉ lệ thanh niên đánh giá “rất tốt” về mức độ liêm chính của các cơ quan này đều giảm so với lần khảo sát năm 2011. Đánh giá “rất tốt” dành cho cảnh sát giao thông và y tế công đều giảm gần một nửa so với năm 2011, từ 12% xuống còn 6% (cảnh sát giao thông) và từ 11% xuống còn 6% (y tế công). Hơn 1/3 số thanh niên tham gia khảo sát cho biết đã gặp hiện tượng tham nhũng khi làm việc với cảnh sát giao thông, gần 1/4 đã gặp tham nhũng trong lĩnh vực y tế và 1/5 đã gặp tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục. Nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao nhất là nhóm đánh giá khắt khe nhất về vấn đề này (chỉ có tối đa 7% đánh giá “rất tốt” trong khi có tới 19% đánh giá “rất kém”).

Ảnh minh họa (Nguồn: Lao Động)

Phải chống tham nhũng bằng quyết tâm chống giặc ngoại xâm

Đánh giá về kết quả khảo sát này, ông Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, kết quả khảo sát đã phản ánh đúng thực tế là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta đạt kết quả khá nghèo nàn. “Tôi có cảm tưởng chúng ta chưa quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng như quyết tâm đấu tranh với giặc ngoại xâm. Vì vậy, thực tế là thanh niên giảm lòng tin vào một số dịch vụ công hay dễ dàng thỏa hiệp với tham nhũng, nới lỏng những tiêu chuẩn về liêm chính cũng phản ánh thực tế đó”, ông Thuyết nói.

Để giải quyết được độ vênh giữa suy nghĩ và hành động, giữa lời nói và việc làm của thanh niên đối với vấn đề liêm chính phụ thuộc vào hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Nhận thức của thanh niên về liêm chính là rất đúng đắn, nhưng trong thực tế, nhiều trường hợp họ buộc phải “nới lỏng”, phải “thỏa hiệp” với tham nhũng để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Bên cạnh đó, theo ông Thuyết, đó là thói quen xấu của rất nhiều người trong xã hội, nói một đằng làm một nẻo. Thói quen xấu đó bắt nguồn từ ý thức, suy nghĩ của mỗi người đó là cứ phải nói theo nhau, nói theo quan điểm chính thống, tự nhiên người ta sẽ không làm theo những gì mà người ta nói, nói không đúng những gì họ nghĩ. Ai nói đúng suy nghĩ của mình rất dễ bị phản ứng.

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, những khảo sát như thế này là rất quan trọng, nó giúp cho xã hội, các cơ quan chức năng thấy được hiện thực xã hội, thêm một tiếng chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng phải hành động để bảo vệ sự liêm chính trong xã hội cũng như trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nếu không có những khảo sát như vậy, có thể một số người vẫn nghĩ rằng tình hình rất tốt, một số người nghĩ tình hình không tốt nhưng không có chứng cứ.

“Hiệu quả của những kết quả khảo sát như vậy phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chung chứ không phụ thuộc vào tính khả thi của những kiến nghị từ khảo sát. Chính sách chung ở đây là sự quyết tâm chống tham nhũng. Đã coi tham nhũng là giặc ngoại xâm rồi mà ta vẫn chung sống với nó thì khó lắm”, ông Thuyết nói./.

Thanh Hà/VOV.VN

Chia sẻ bài viết