Tiếng Việt | English

12/03/2023 - 17:30

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về an toàn thực phẩm

Ngành chức năng tỉnh Long An sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất chế biến nông, lâm sản, thủy sản; trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về An toàn thực phẩm (ATTP) vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP năm 2023.

 Cơ quan chức năng sẽ chú trọng công tác lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường. Ảnh minh họa: P.N

Theo đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, kiểm soát các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định về ATTP cho cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về ATTP, người sản xuất, chế biến và người tiêu dùng, từ đó nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý cũng như nhận thức của cộng đồng về đảm bảo ATTP.

Đồng thời, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm, lấy mẫu hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm vào các cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; kịp thời nắm bắt, xử lý các thông tin mất ATTP theo phản ánh của báo chí, người tiêu dùng,...

Trong công tác quản lý bảo đảm ATTP, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành chức năng, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của người đứng đầu các cấp, các ngành.

Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền về ATTP; Chương trình phối hợp vận động giám sát ATTP của MTTQ và các đoàn thể; phong trào thi đua vì ATTP; phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, phổ biến các kiến thức về ATTP, hướng dẫn chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn, ký cam kết ATTP. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về ATTP đến các nhóm đối tượng là người quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng công tác lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất chế biến nông, lâm sản, thủy sản; trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Đội điều tra ngộ độc thực phẩm các tuyến để kịp thời xử lý các tình huống khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; duy trì thường xuyên các kíp trực, các đội điều tra, xử lý ngộ độc, sẵn sàng phương tiện, con người để tiếp nhận và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về ATTP.

Tiếp tục triển khai, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP)./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết