Tiếng Việt | English

10/07/2015 - 11:07

Điều giản dị

Chiều lướt thướt đi qua bầu trời để lại trên cánh đồng lúa xanh những vệt vàng dài vô tận. Gió mang mùi mắm kho nhà ai đem khoe khắp xóm, làm cồn cào hơn cái bụng đói của mấy người ra đồng về muộn. Do vô ý để lưỡi hái cứa vào tay lúc ra đồng kiếm cho bò chút cỏ, nên chiều nay An ở nhà một mình. Buồn thật. An ngồi bất động, lưng tựa vào vách, mắt nhìn xa xôi. Ngoài kia, trên cánh đồng lúa rộng, tiếng cúm núm gọi chiều vẫn vọng về đều đều. “Ngày mai mình lại xa nơi này nữa rồi” - An nén tiếng thở dài, nghe có gì như nuối tiếc.

Tụi bạn của An đã lên thị trấn vài hôm trước, để tìm cho mình chỗ trọ tốt nhất, thuận tiện cho việc ăn ơ, học hành sau này. An muốn được như tụi nó lắm. Mỗi cuối tuần, An sẽ đạp xe về thăm nhà, quây quần bên ba mẹ, anh em, rồi lại sẽ bận bịu lúc ra đi. Ước muốn đó tưởng chừng nhỏ nhoi mà mấy năm rồi An không thực hiện được. 1 tháng, 3 tháng, An chưa về thăm nhà một lần, nói chi đến về hàng tuần. Nhà An nghèo. Hồi đầu cấp III, ba An định cho nó nghỉ học, ở nhà phụ ông chăm chút mấy công đất ruộng. Cũng may, ông chú họ xa của An trên thành phố, trong một lần về thăm quê, nghe chuyện anh bạn chí thân ngày nào có đứa con học “siêu” lắm mà nuôi không nổi, nên ông bàn cùng vợ xin thằng nhỏ làm con đỡ đầu, cho nó được tiếp tục đến lớp.

***

Mọi người đều ở cả nhà trên, chỉ trừ thím Tám bận cho lũ vịt ăn ở đằng sau nhà (bọn vịt Tàu ấy vậy mà lớn họng, đói một chút là la inh ỏi không ai chịu nổi). Chú Tám nằm trên võng, một tay vắt ngang trán, ra chiều nghĩ ngợi. Ở đây, ban đêm, muỗi nhiều vô kể. Trên chiếc giường tre đã cũ, bên trái bộ bàn ghế bằng tre đặt giữa nhà, An lúi húi xếp lại quần áo, chuẩn bị cho chuyến đi vào sáng mai. Cạnh An là thùng sách vở to đùng. Mới đi xa về hay sắp đi đâu xa, An có thói quen ngồi xem lại thùng sách vở ấy. Chẳng có gì mới mẻ trong đó cả. Vẫn mớ bài vở cũ, mấy dòng chữ nguệch ngoạc của vài đứa bạn, cùng mấy bài thơ con cóc còn sai lỗi chính tả. Vậy mà An cứ xem đi xem lại như đang tìm một điều gì đó. Đối diện An, cũng trên một chiếc giường bằng tre, Bình và Cơ đang chơi bài tiến lên. Bốn cha con, ai làm việc nấy, chẳng buồn nói một câu. Chỉ có tiếng cót két của chiếc võng tre cùng tiếng đập muỗi lách chách của mấy cha con vẫn đều đặn. Đôi lúc, lại rộ lên tiếng cãi cọ khi một trong hai thằng em của An làm trò gian lận gì đó.

Chú Tám ngồi dậy, ông rít một hơi dài. Trong bóng tối, một đóm lửa nhỏ rực lên, rồi lịm tắt dần. Điếu thuốc rê to tướng, bây giờ chỉ còn là cái tàn nhỏ. Vốn kỹ tính, sợ vợ con giẫm phải, ông dụi dụi tàn thuốc xuống đất rồi mơi quăng đi.

- An à, con lên đó ráng học cho giỏi. Ba nghe nói ở trên đó con người ta dễ hư hỏng lắm. Đi học mà, rồi lại về, có đi luôn đâu sao mày buồn quá vậy?…

- Dạ, con thấy mình lớn rồi mà chẳng giúp được gì cho ba mẹ, lại phải đi xa để cho ba mẹ không yên lòng vì con, con…

- Hồi anh em bây còn nhỏ, ai giúp đỡ gì đâu, ba mẹ vẫn lo cho bây đến bây giờ.

- Nhưng,… ba mẹ không còn được như trước nữa. Thím Tám đi lên từ nhà sau, thổi ngọn đèn trên tay, tiếp ý chồng cho con yên dạ:

- Sợ mai mốt già không đứa nào lo mới khổ. Chứ giờ thằng Bình, thằng Cơ cũng lớn hết rồi. Coi,... bớt một đứa khoảng tám chín tháng đỡ tốn biết bao tiền cơm gạo. Không buồn lo gì đâu phải không ông?

Thím Tám nói để mà vui vậy thôi. Con cái không tính toán với cha mẹ thì thôi, có cha mẹ nào nuôi con mà lại tính này tính nọ. Đặt cây đèn xuống bàn, thím Tám bước lại bên An:

- Mấy bộ đồ này cũ hết rồi, để lại cho thằng Bình. Mai mẹ cho tiền mua cái khác. Người ta mới đặt cọc tiền vịt vài trăm hôm qua.

An nghe nhói trong lòng. Gà vịt mùa này không biết lời lỗ thế nào. Tiền phân tro cho lúa, tiền sách vở, quần áo cho Bình, Cơ đều trông vào đó cả. An thương ba mẹ quá, thương cả những người nông dân nơi đây. Một nắng hai sương mãi mà vẫn trắng tay.

***

An còn nhớ như in đêm đầu tiên xa nhà. Nỗi buồn cùng sự lạ chỗ lạ nơi khiến An không sao ngủ được. Đêm nay, trước khi xa nhà một lần nữa, An trăn trở mãi. An nhớ đến câu nói của ba, động lực giúp An miệt mài cùng sách vở đến ngày hôm nay “Ba mẹ nghèo chỉ có thể chia chữ cho các con. Hãy ráng học để sau này đời các con không khổ như đời ba mẹ”. An khóc. Những tràng ho của chú Tám từ nhà trên cứ tràn xuống. An khóc nhiều hơn và không hiểu sao mình lại yếu mềm đến thế. Những lần đi trước có thế đâu. An ngồi dậy, tròng vội chiếc quần dài vào, bước xuống xuồng, tháo dây, lặng lẽ chèo đi.

Trăng đêm nay thật tròn thật sáng và bầu trời đêm nay hình như ít sao hơn mọi đêm. Bao khóm mây màu trắng đục xếp cạnh nhau trông như những tấm vẩy cá khổng lồ, vừa lạ lại vừa đẹp mắt. Mặt sông trải rộng, gờn gợn vô vàn con sóng nhỏ. Xa xa, thỉnh thoảng lại lóe lên vài ba tia sáng như ai đem những hạt kim cương rắc trên mặt sông này. “Đẹp quá” - An reo thầm, rồi lại vừa tiếc vừa trách mình - “Vậy mà bao nhiêu năm mình không biết”. Cũng phải khi ở đây An chỉ là một thằng con nít, lớn lên một chút An lại ở miết trên kia,… Hàng dừa nước ven sông vẫn rì rào trong gió. Những cánh lục bình tím biếc ướt đẫm sương đêm. An đưa tay vớt một cánh hoa, một ý thơ của ai đó ngọ ngoậy trong An “Có một loài hoa vừa trôi vừa nở”. An bỗng nhớ đến nhỏ vô cùng, cô bé cùng An lớn lên nơi đây. Họ từng chèo xuồng hái bông điên điển, cắm câu và cùng nhau tắm mình trong dòng sông này. Không được như An, cô bé chỉ học hết lớp 9. Ngày An đi, cô bé là người chèo xuồng đưa An ra con lộ lớn. An lên xe, cô bé lẳng lặng đứng nhìn theo, mặt buồn rười rượi. Mùa hè năm đó, An về thăm quê, nhà cô bé đã dọn về bên ngoại. Nhìn cây cầu tre bắc trước nhà đứng chơ vơ, mấy tấm lá cùng những thanh tre nằm ngổn ngang trên nền đất cũ, một nỗi trống vắng vô cùng ngập tràn lòng An. An muốn kêu lên thật to nhưng chẳng biết kêu gì. An vội vã quay về, như cố chạy khỏi vùng phủ sóng của cái gọi là nhớ tiếc nhưng không còn kịp nữa: Nó đã phủ lấy lòng An mất rồi. Từ đó đến nay bao lần con nước lớn ròng, bao mùa điên điển trổ bông, cô bé vẫn biền biệt,… An ngước nhìn lên bầu trời. Kìa, một vì sao đổi ngôi. An ước sao mình có thể níu lại thời gian.

***

Mọi người dậy thật sớm. Hôm nay, thằng Bình, thằng Cơ cũng không còn đợi ba quất cho mấy cây chổi vào mông mới lòm còm bò dậy. An lẳng lặng nghe những lời dặn dò của ba mẹ, cố hết sức không nhìn thẳng vào mặt mọi người để giấu đi đôi mắt đỏ hoe. Bình và Cơ cãi nhau, giành chèo xuồng đưa An ra con lộ lớn. “Lên trển ráng học nghen con” - Lời mẹ với theo. An khẽ gật đầu. Cúi mặt, giấu giọt nước mắt lăn dài

Chiếc xuồng đi được một quãng xa, mái nhà lá khuất hẳn sau mấy rặng dừa nước, An mới quay lại nhìn về phía có mái lá vẹo xiêu nép mình bên dòng sông mùa vui yên ả nước trôi, mùa buồn nhấn chìm bờ bãi, có kỷ niệm ấu thơ những ngày mưa nắng và có ba con người lẳng lặng đứng trông theo, mặt rười rượi buồn. Bất chợt, An nhớ đến ông Tám cùng câu nói của ông. Ông Tám là người sinh ra và lớn lên nơi đây. Ba người con của ông đều thành đạt, có nhà riêng trên thành phố. Nhiều lần họ về năn nỉ ông lên trên đó. Ông từ chối cả. An thắc mắc “Con nghe nói trên thành phố vui lắm, sao ông không đi ông Tám? Là con con đi rồi”. Ông Tám chỉ cười cười: “Mai mốt rồi mày sẽ biết...”. Phải chăng cái mai mốt đó giờ đã đến với An? Bây giờ An mới loáng thoáng nhận ra vì đâu ông Tám không nỡ từ bỏ vùng này. An cúi người, vớt lấy cánh hoa, khẽ bảo “Lục bình ơi, ta chẳng vô tình như ngươi. Dòng sông ơi, mai tôi sẽ về”./.

Lê Minh Tú

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Điều giản dị