Tiếng Việt | English

21/06/2023 - 11:07

Gặp gỡ những nhà báo điển hình

Trong những tình huống đặc biệt, những người làm báo trên địa bàn tỉnh Long An vào cuộc với tinh thần dấn thân, trách nhiệm của người cầm bút. Đó là câu chuyện nghề mà các phóng viên (PV), nhà báo chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

Vượt khó để trưởng thành

10 năm làm báo đã giúp nhà báo Kiên Định (Báo Long An) đi nhiều nơi, biết nhiều người, tiếp xúc với nhiều câu chuyện. Anh chia sẻ, nghề báo được đánh giá là một trong số những nghề nguy hiểm, đòi hỏi mỗi PV, nhà báo phải có sự đam mê, năng động, trải nghiệm và cả sự “dấn thân”. Từ ngày làm báo, anh may mắn được các anh, chị đồng nghiệp hướng dẫn và gắn bó với mảng pháp luật - bạn đọc. Đó là một lĩnh vực mới với anh và cũng khó trong số các mảng đề tài báo chí hiện nay, đòi hỏi mỗi người làm báo phải nỗ lực học tập.

Theo nhà báo Kiên Định, mỗi chuyến đi cho mình những trải nghiệm để trưởng thành hơn

Nhà báo Kiên Định cho rằng, viết mảng pháp luật - bạn đọc đi liền với rủi ro khi một thông tin nhỏ chưa đúng hoặc chưa đầy đủ. Do đó, bên cạnh kỹ năng báo chí, kiến thức xã hội, mỗi người làm báo ở mảng này cần bồi dưỡng thêm kiến thức pháp luật. Anh cũng vui khi nhiều năm qua, từ mảng đề tài này, nhiều bài viết của anh đoạt giải cao tại Giải Báo chí tỉnh.

“Khó có một nhà báo nào có thể khẳng định trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình không mắc những sai sót. Nghề báo suy cho cùng cũng là một nghề như bao nghề nghiệp khác. Có chăng, nghề báo mang tính đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn. Với một số người, nghề báo, nhà báo khiến họ vừa sợ, vừa ghét. Bởi một tác phẩm báo chí ra đời có thể tuyên truyền, cổ vũ, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội nhưng cũng có khi ảnh hưởng đến quyền lợi không chính đáng của tổ chức, cá nhân nào đó. Nghề báo đòi hỏi mỗi người làm báo phải luôn đổi mới trong cách viết, không ngừng sáng tạo và gần gũi với đời sống người dân để có được những bài báo hay mang đến độc giả. Để làm được điều đó, nhà báo, PV phải không ngừng đi và trải nghiệm dù những chuyến tác nghiệp không phải lúc nào cũng là “hoa hồng”” - nhà báo Kiên Định chia sẻ.

Nhà báo Duy Huệ không ngại những chuyến đi xa, đi sớm, về khuya để thực hiện tác phẩm truyền hình

Là nữ nhà báo nhưng chị Duy Huệ (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) luôn “lăn xả” với nghề. Gần 15 năm theo nghề, chị không ngại những chuyến đi xa, đi sớm, về khuya để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trước đây, khi lãnh đạo chưa phân công lĩnh vực phụ trách, chị được nhận xét là nhà báo “đa năng” bởi các tác phẩm của chị xuất hiện ở nhiều đề tài khác nhau. “Bây giờ chia mảng rồi cũng phù hợp và phát huy năng lực, sở trường của từng nhà báo, PV. Tôi thích làm đề tài về nông nghiệp, thích gắn bó với nông dân. Đó cũng là lý do tôi đi công tác ở khu vực Đồng Tháp Mười nhiều, từ những vụ lúa đến mùa nước nổi. Có lúc mới 4 giờ, tôi đã có mặt ở huyện biên giới Vĩnh Hưng ghi nhận chợ cá đồng mùa lũ. Có khi 21 giờ, tôi mới bắt đầu theo đoàn kiểm tra lò giết mổ đến 2 giờ hôm sau mới về nhà. Những lúc đi công tác như vậy hoặc những ngày tỉnh xảy ra dịch bệnh, tôi phải gửi con nhỏ về quê để yên tâm đến các ổ dịch, bệnh viện dã chiến làm nhiệm vụ tuyên truyền” - nhà báo Duy Huệ bộc bạch.

Đối với chị Duy Huệ, mỗi sản phẩm truyền hình chị đều làm với tinh thần hết mình chứ không phân biệt là dự thi hay không. Đó cũng là lý do giúp tác phẩm của chị luôn chỉn chu, “tròn trịa”. Sau đó, chị sẽ cân nhắc, lựa chọn các tác phẩm có chủ đề hay, mang tính thời sự dự thi Giải Báo chí tỉnh hàng năm.

Làm nhà báo, PV là phải đi nhiều, tìm hiểu, giao tiếp và hoàn thành tác phẩm đúng thời hạn để kịp phát sóng. Theo nhà báo Duy Huệ, để thực hiện một chương trình, PV biên tập thường tìm hiểu kỹ vấn đề trước, sau đó thảo luận với PV quay phim về nội dung ghi hình. Tuy nhiên, khi kịch bản soạn sẵn khác với thực tế thì PV biên tập và PV quay phim phải trao đổi lại, cùng đề xuất khi phát hiện vấn đề mới. Các thể loại truyền hình không cần thuyết minh nhiều, hình ảnh mới là quan trọng, thu hút người xem. Vì vậy, PV biên tập và PV quay phim cần phối hợp tốt để tìm hình ảnh, chi tiết “đắt giá”.

Nhà báo Duy Huệ tâm sự: “Người làm báo muốn có tác phẩm báo chí tốt phải đi, dấn thân, tìm hiểu những vấn đề mang “hơi thở” của cuộc sống. Bên cạnh những đề tài mình chọn, không ít lần, PV phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công “tức thì”. Không ít đồng nghiệp đã gặp hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ để kịp thời đưa lên sóng những thông tin thời sự. Cực thì có cực, song nếu yêu nghề, chịu vượt khó thì sẽ trưởng thành”.

Luôn tự rèn luyện mình

Theo nhà báo Bắc Bình (Báo Thanh Niên), trong thời buổi bùng phát về công nghệ, truyền thông mạng xã hội như hiện nay, người làm báo phải không ngừng học hỏi, cập nhật thông tin, kỹ năng tác nghiệp mới theo kịp diễn tiến “như tia chớp” và sự xô bồ của dòng thời sự.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng trao giải Ba Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho nhà báo Bắc Bình

Tuy vậy, nhà báo tác nghiệp ở lĩnh vực nội chính nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc điều tra nói riêng thường ít nhận được sự chia sẻ, hợp tác hiệu quả khi thực hiện các đề tài. Do đó, ngoài các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, nhà báo viết về lĩnh vực này còn phải luôn giữ được một ý chí kiên định, “một cái đầu lạnh” để có thể phân tích, đánh giá, nhận định đúng tình hình, tình huống và các chi tiết rất cụ thể trong quá trình tác nghiệp. Bởi vì, nếu thiếu một trong các kỹ năng trên hoặc thiếu đạo đức nghề nghiệp sẽ rất dễ trở thành công cụ có lợi cho người khác và đánh mất chính mình, làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân và cả cơ quan của mình.

Nhà báo Bắc Bình thông tin, trong thời điểm cả nước “đốt lò” như hiện nay, luôn có rất nhiều thông tin liên quan lĩnh vực nội chính hàng ngày, hàng giờ. Vì vậy, độc giả có rất nhiều nguồn thông tin để tiếp cận. Tuy nhiên, thông tin từ các cơ quan truyền thông chính thống, các nhà báo có uy tín vẫn luôn là “món ăn tinh thần” được độc giả chờ đợi và trân trọng nhất.

“Tôi rất vinh dự trong những năm gần đây nhận được giải Ba Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giải Nhất Giải Báo chí viết về Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là phần thưởng về tinh thần xứng đáng đối với những người làm báo chân chính” - nhà báo Bắc Bình trải lòng.

Đội ngũ phóng viên, nhà báo tác nghiệp

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Long An - Lê Hồng Phước cho biết, thời gian qua, đội ngũ những người làm báo trong tỉnh kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo bạn đọc. Nhiều nhà báo không ngại khó khăn, đi cơ sở để có những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống. Hiện nay, các cơ quan báo chí trong tỉnh không ngừng phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ báo chí được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp không ngừng đầu tư theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh về số lượng, tinh thông về nghiệp vụ, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, tích cực rèn luyện đạo đức nghề báo. Hầu hết nhà báo đều phát huy được vai trò của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực đấu tranh với cái cũ, cái sai trái, cái xấu, bảo vệ cái tốt, nhân tố tích cực trong cuộc sống,... Đặc biệt, những năm qua, đội ngũ PV, nhà báo và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh không có người vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị xử lý kỷ luật.

Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, cơ chế thị trường và tác động của thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, đội ngũ những người làm báo cần giữ vững đạo đức, nâng cao trình độ hiểu biết về từng lĩnh vực và kỹ năng nghề nghiệp để đồng hành với Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ lợi ích của địa phương, xã hội, cộng đồng./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết