Nhà đa năng (Trường Tiểu học Việt Lâm) là nơi học sinh tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, văn nghệ
1. Trường Tiểu học Việt Lâm chính thức mang tên anh hùng Việt Lâm vào khoảng năm 1990. Sau vài lần tách và sáp nhập, tên gọi Trường Tiểu học Việt Lâm vẫn không thay đổi.
Việt Lâm là nhà cách mạng yêu nước, sinh ra tại ấp Xuân Hòa 1, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành. Ông tên thật là Lê Văn Tốt, SN 1914. Năm 1945, ông tham gia cách mạng, sau đó trở thành Bí thư xã Thanh Vĩnh Đông. Năm 1948, ông được tín nhiệm làm Huyện ủy viên Huyện ủy Châu Thành và công tác tại Ban Kinh tài huyện vào năm 1955. Một năm sau đó, ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Trở về, ông vẫn tiếp tục tham gia hoạt động và giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tài huyện, Phó ban Kinh tài tỉnh và Bí thư Huyện ủy Tân Trụ. Ông hy sinh năm 1970.
Được vinh dự mang tên người anh hùng của quê hương, thầy và trò Trường Tiểu học Việt Lâm không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học. Trường Tiểu học Việt Lâm hiện là một trong số ít trường trên địa bàn huyện có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia mức độ 3 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường có 35 phòng học, trong đó có các phòng bộ môn: Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc,... với đầy đủ trang thiết bị và kết nối Internet. Nhà đa năng là nơi học sinh (HS) tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, văn nghệ. Thư viện trường được bố trí trong không gian 4 phòng học. Ở đó, HS có thể lựa chọn sách phù hợp độ tuổi theo chỉ dẫn màu để đọc tại chỗ hoặc mượn sách về nhà.
“Việc ghi chú thông tin mượn và trả sách được thực hiện hoàn toàn trên máy tính và giao nhiệm vụ cho lớp trưởng từng lớp. Khi đến đọc sách tại thư viện, HS muốn mượn sách thì thông báo với lớp trưởng. Sau khi lớp trưởng mở phần mềm quản lý, kiểm tra thông tin, các em chỉ cần quét mã vạch sách là được, không cần phải ghi chú thủ công như trước” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Lâm - Nguyễn Văn Bảy cho biết.
Theo thầy Nguyễn Văn Bảy, để có được cơ sở vật chất như hiện tại cần có sự đồng thuận, hết lòng của tập thể giáo viên (GV), cán bộ, nhân viên nhà trường và đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên. Trong năm 2023, ngân sách huyện đầu tư cho trường hơn 1 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, bên cạnh đó, ngân sách của trường đầu tư bổ sung hơn 400 triệu đồng. Nhờ vậy, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường đáp ứng tốt việc dạy và học.
2. Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập thoải mái cho HS, GV trường còn không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong giảng dạy. Năm 2023, Trường Tiểu học Việt Lâm có 1 GV trẻ - cô Nguyễn Trần Ngọc Thủy được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào đạo vì có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục.
Cô Nguyễn Trần Ngọc Thủy (Trường Tiểu học Việt Lâm) chú trọng phát huy tính sáng tạo của học sinh trong quá trình giảng dạy
Là GV Mỹ thuật của trường, cô Ngọc Thủy chú trọng phát huy tính sáng tạo của HS trong quá trình giảng dạy, giúp HS phát triển tư duy thẩm mỹ, yêu cái đẹp. Nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, GV dạy giỏi cấp huyện, cô Ngọc Thủy có 3 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh. Năm học 2021-2022, cô được công nhận là GV dạy giỏi cấp tỉnh.
Trong suốt quá trình công tác, ngoài giảng dạy, cô Ngọc Thủy còn nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Các sáng kiến kinh nghiệm của cô có tính ứng dụng và được hội đồng nhà trường đánh giá tốt. “Môn Mỹ thuật đang trong quá trình đổi mới, dạy học theo hướng phát triển năng lực toàn diện cho HS nên khi dạy, tôi chủ yếu cho các em thực hành làm ra sản phẩm mỹ thuật từ những vật dụng tìm được xung quanh cuộc sống. Việc này giúp các em tiết kiệm chi phí, giữ vệ sinh môi trường, phát huy khả năng sáng tạo” - cô Ngọc Thủy cho biết.
Việc ghi chú thông tin mượn và trả sách được thực hiện hoàn toàn trên máy tính (Trong ảnh: Học sinh mượn sách tại thư viện)
Với cô Ngọc Thủy, lòng yêu nghề cùng truyền thống dạy tốt, học tốt của trường, sự động viên, hỗ trợ từ đồng nghiệp và gia đình là động lực to lớn giúp cô không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong công việc. “Tôi rất tự hào là GV ở ngôi trường mang tên người anh hùng và tôi luôn tự nhủ lòng, còn theo nghề là còn phấn đấu, hết mình vì công việc” - cô Ngọc Thủy nói./.
Quế Lâm