Nhà báo Hữu Thọ ra đi là một mất mát lớn đối với những người làm báo Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động sôi nổi, nhiệt thành, dù ở cương vị nào, là người thầy hay một nhà chính trị thì ông vẫn muốn được gọi mình là “Nhà báo”. Ông cũng tự nhận mình là “người hay cãi”, "người hay nghĩ”, nhưng ông cãi cho lẽ phải, cho những điều nhân nghĩa trong cuộc sống. Cho đến những ngày tháng cuối đời, Hữu Thọ vẫn để lại hình ảnh đẹp về một nhà báo đầy tâm huyết, tài năng và nhân cách.
Nói đến thế hệ làm báo đàn anh, không thể không nhắc đến những cái tên như Hà Đăng, Phan Quang, Hữu Thọ. GS-TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN gọi nhà báo Hữu Thọ là một trong những cây đại thụ của làng báo bởi lẽ, trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, lúc nào ông cũng sung sức, tràn đầy nhiệt huyết và để lại những dấu ấn quan trọng.
Nhà báo Hữu Thọ trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV
Nhắc lại thời điểm trước đổi mới, GS-TS Vũ Văn Hiền nhận định: Trong giới báo chí lúc đó, Hữu Thọ nổi bật với những câu chuyện về sản xuất nông nghiệp, có khi ông mất cả nửa tháng trời để lăn lộn và cho ra đời những phóng sự dài kỳ về khoán màu ở Vĩnh Phú – nơi được xem là khởi nguồn của Đổi mới. Rồi ông viết về sản xuất bung ra như thế nào, vấn đề giá lương tiền và đoạn tuyệt với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp ra sao… Rất nhiều cuộc hội thảo về kinh tế đã được Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản tổ chức vào thời điểm đó và nhà báo Hữu Thọ đã có những ý kiến đóng góp đầy tính thực tiễn.
“Hữu Thọ không phải là nhà chuyên môn về kinh tế, càng không phải là giảng viên hay giáo sư về kinh tế nhưng với tư duy của người làm báo, ông đã có những đóng góp quan trọng. Những phát biểu của ông thường gắn với tổng kết thực tiễn, lăn lộn với thực tiễn. Vì thế, giới học thuật về kinh tế thường rất cảm phục tư duy kinh tế của ông. Những cống hiến đó của ông mang đậm tính dự báo và đột phá. Ông được mệnh danh là người hay cãi cũng vì lẽ đó. Những ách tắc trong quản lý, trong điều hành về kinh tế, với thực tiễn của mình, ông đã phát hiện ra những quy định trái ngược, kìm hãm sản xuất nên ông đã đưa ra những ý kiến khác với bình thường”, GS-TS Vũ Văn Hiền nhớ lại.
Nhà báo Hữu Thọ (giữa) tham gia một chương trình giao lưu trên truyền hình VOV (Ảnh: Vĩnh Quyên)
Hữu Thọ vừa là nhà báo, vừa là nhà cách mạng. Nhà báo Đức Lượng - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nói rằng, Hữu Thọ là một người đa tài. Ông kể: Là một trong những người trực tiếp tham gia cuộc mít tinh ở Nhà hát Lớn, hòa vào dòng người thị uy ở Hà Nội, rồi cầm súng bảo vệ đất nước, tham gia cấp ủy ở Hải Dương, Thái Bình và cả ở Trung ương, chính thực tiễn ấy đã in lên những trang viết của ông. Ở đó, mọi lớp người đều tìm thấy mạch nguồn của cuộc sống, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, xung đột của xã hội. Và phẩm cách làm báo của ông thể hiện rõ nhất khi ông tự nhận mình là “người hay cãi”, “người hay nghĩ” nhưng lại lấy bút danh Nhân Nghĩa, Nhân Chính.
Nhà báo Đức Lượng bồi hồi nhớ lại: “Nhà báo Hữu Thọ nhận mình là người hay cãi mà chính vì hay cãi mới bật lên được chân lý của cuộc sống. Ông không cãi cho mình, để khẳng định mình mà cãi cho dân, cãi cho lẽ phải, cãi cho định hướng đúng đắn trong đường lối của Đảng. Những điều ông “cãi” đều đem đến những giải đáp, hóa giải được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Dù hay cãi nhưng tên của ông lại gắn với những điều nhân văn”.
Hiếm có một nhà báo nào nhiệt thành như ông Hữu Thọ. Làng báo thật bất ngờ với tin ông qua đời bởi ngay mới đây thôi, hình ảnh của ông cùng những trăn trở, tâm huyết với nghề vẫn còn đau đáu. Tháng 6 vừa rồi, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: “Tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật rằng, uy tín của giới báo chí đang giảm sút” và ông “cảm thấy vấn đề đạo đức báo chí cần được đánh giá, phân tích” một cách kỹ hơn để báo chí “tạo ra dư luận lành mạnh, cổ vũ toàn dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước”.
Mấy chục năm cầm bút, đào luyện trong thực tiễn, nhà báo Hữu Thọ đã tổng kết, đúc rút nhiều bài học quý giá cho những người làm báo hôm nay, trong đó bài học sâu sắc nhất là “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
PGS-TS Đỗ Chí Nghĩa – Tổng Biên tập báo Người Đại biểu nhân dân, người đã có 19 năm giảng dạy ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Năm 1992, khi bước chân vào trường báo, tôi đã rất phấn khích khi biết Hữu Thọ là chủ nhiệm danh dự của khoa Báo chí. Đến khi chúng tôi ra trường, tôi nhớ mãi hình ảnh nhà báo Hữu Thọ phát biểu trước sinh viên. Và có lẽ đấy là lần đầu tiên ông đã nói về mệnh đề “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, sau này đó cũng là tiêu đề cho những cuốn sách và trở thành câu nằm lòng cho giới báo chí. Chúng tôi cảm nhận ở ông sự gần gũi của một nhà báo đã thành danh”.
Nghe tin nhà báo Hữu Thọ qua đời, dù rất bất ngờ và nuối tiếc nhưng nhà báo Đức Lượng – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã ngồi ngay vào bàn với những dòng chữ tuôn chảy viết về người anh, người thầy, người đồng nghiệp đáng kính của mình. Nhưng rồi, trong đôi mắt ngấn lệ, ông Lượng vẫn tự trách mình, còn rất nhiều điều về nhà báo Hữu Thọ mà ông chưa chuyển tải hết qua trang báo.
Và có lẽ, với chúng tôi cũng vậy. Dẫu làng báo đã mất đi một cây đại thụ thì những bài học về nghề của ông vẫn luôn là những bài học quý, nhắc nhở chúng tôi trên bước đường đi tới của báo chí cách mạng Việt Nam./.
Hương Giang/VOV - Trung tâm Tin