Tiếng Việt | English

08/08/2015 - 20:10

Nhiều tờ báo thông tin thiếu thẩm định, chỉ giật “tít” câu khách

Không chỉ các nhà báo, công chúng cũng bức xúc khi nhiều tờ báo thông tin phiến diện, giật “tít” để câu khách…

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội (từ 7 - 9/8), rất nhiều đại biểu trăn trở trước tình trạng ngày càng có nhiều nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, xa rời tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh sự phát triển lớn mạnh của báo chí về cả số lượng và chất lượng, những đóng góp quan trọng của đội ngũ nhà báo, thì vẫn tồn tại thực tế là một bộ phận người làm báo còn yếu kém về nhận thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp.


Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu khai mạc Đại hội

Dù chỉ là số ít, nhưng khi nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp sẽ để lại hậu quả rất lớn, ảnh hưởng đến công chúng và bôi nhọ danh dự, uy tín của đội ngũ người làm báo chân chính.

Không chỉ các nhà báo, mà chính công chúng cũng bức xúc khi hàng ngày, hàng giờ trên nhiều tờ báo, trang báo điện tử, nhan nhản những thông tin phiến diện một chiều, thiếu thẩm định nguồn tin dẫn đến sai lệch, thậm chí sa đà vào đơn thư khiếu nại tố cáo, giật “tít” để câu khách…

Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ Giang Minh Chánh phân tích, báo chí có nhiều đặc tính như chính xác, kịp thời, thẩm mỹ, định hướng dư luận… Nhưng có 2 đặc tính cần quan tâm số một là tính chính xác và kịp thời. Nếu trong 2 đặc tính này chỉ được chọn một thì phải chọn tính chính xác.

Người làm báo không giữ được đạo đức nghề nghiệp thì rất dễ không coi trọng tính chính xác, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, thậm chí vi phạm luật pháp, làm báo kiểu chộp giật, lợi dụng để kiếm sống.

“Mỗi nhà báo phải ý thức đầy đủ nghĩa vụ công dân của người làm báo, có bản lĩnh chính trị, phải rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; đặc biệt là phải dựa trên đúng tôn chỉ, mục đích, công tâm, khách quan trên tất cả các vấn đề, không vì đồng tiền mà bán rẻ danh dự của mình, của tờ báo mình, thậm chí sai với quan điểm của Đảng và báo chí cách mạng Việt Nam” – nhà báo Giang Minh Chánh nói.

Nhìn nhận vi phạm đạo đức nghề nghiệp là một vấn đề nóng hổi của báo chí Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhà báo Trần Thị Thu Hằng, Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô cho rằng, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã quan tâm nhưng chưa thực sự đi sâu, đi sát, làm tốt việc giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhất là với các nhà báo trẻ, cũng như chưa quyết liệt xử lý đối với nhà báo vi phạm.

Chẳng hạn, nhiệm kỳ qua, Hội đã phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuy nhiên việc thực hiện chưa sâu sắc, nhất là chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát, triển khai sâu rộng, đồng bộ đến từng chi hội, cơ sở hội nên hiệu quả chưa cao.

Nhà báo Trần Thị Thu Hằng khẳng định: “Hội Nhà báo Việt Nam cũng như Hội Nhà báo cơ sở và các chi hội thường xuyên phải có sinh hoạt tư tưởng. Bên cạnh sinh hoạt nghiệp vụ, sinh hoạt tư tưởng sẽ nhắc nhở những người làm báo nhận thức rõ được nghề nghiệp của mình. Nếu chỉ nhắc nhở suông thì những người đã trượt vào những vi phạm sẽ không nhận thức được. Việc giáo dục này phải thường xuyên, liên tục, làm cho những nhà báo trong cuộc cảm thấy phải lên tiếng. Nếu làm được việc đó thì Hội Nhà báo sẽ ngày càng xứng đáng là hội nghề nghiệp được nhiều người tin tưởng”.

Trước thực tế số hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đang có xu hướng gia tăng, nhà báo Hoàng Thiềng, Thường trực chuyên trách Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng cho rằng, trước hết từng chi hội cơ sở phải làm tốt trách nhiệm quan tâm, bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức cho hội viên, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp, tránh các hoạt động chỉ mang tính hình thức.

“Trước hết là phải nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức hội nhà báo địa phương, phải trở thành ngôi nhà chung để quy tụ, gắn kết những người làm báo trên địa bàn. Muốn làm được như thế thì hội phải có vị thế. Vị thế đó do chính tự thân hoạt động của hội, chứ đừng trông chờ ở trên Hội Nhà báo Việt Nam hướng dẫn cái gì mới làm cái đó, hoặc chờ các anh em cơ quan báo chí đến với mình, mà hội phải đến với họ thông qua chính những hoạt động hữu ích của mình” - nhà báo Hoàng Thiềng phát biểu.

Tại Đại hội lần thứ X, Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra vấn đề cần nghiên cứu, sửa đổi 9 nội dung của Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo (đã được ban hành từ năm 2005) cho phù hợp.

Các nhà báo mong rằng, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, thì Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của hội viên về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của mình.

Đây cũng chính là vấn đề mấu chốt quyết định đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian tới./.

Lưu Huyền/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết