Tiếng Việt | English

19/11/2015 - 16:56

Những người thầy đặc biệt

Có những người thầy cũng đứng trên bục giảng, cũng chăm chút cho học sinh của mình từng con chữ, nhưng ngày 20-11 họ không nhận được một lời chúc mừng từ học sinh. Niềm vui của họ đơn giản chỉ là đứa học trò nhỏ phát âm tròn chữ, đọc được tròn vần.

1. Lớp 1 khiếm thính của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh có khoảng 11 – 12 em. Các em có ngoại hình bình thường nhưng không có khả năng phát âm. Thứ ngôn ngữ giao tiếp của các em là những âm thanh ư…a…, kèm theo biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ. Không nghe được, không nói được, thế giới của các em là một thế giới khép kín và những giáo viên dạy lớp chính là người khơi mở thế giới ấy.

Cô Lê Thị Lệ Khánh là giáo viên có trên 10 năm giảng dạy tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Cô từng đứng lớp khiếm thị, khiếm thính và là giáo viên hướng dẫn phụ huynh cách dạy con ở nhà. Cô nói, dạy một em khiếm thính là dạy một đứa trẻ mới tập nói. Lớp có mười mấy em nghĩa là cô dạy cho mười mấy đứa trẻ tập nói cùng một lúc. Bước vào lớp học, từng câu chữ cô đều phát âm thật chậm, khẩu hình miệng thật rõ, như một đoạn phim quay chậm. Để các em hiểu, cô giáo phải giảng giải thật chậm, dùng từ ngữ đơn giản và liên tục ôn lại từ mới.


Cô Lê Thị Lệ Khánh trong giờ đứng lớp

Trong giờ học về số 1, cô Khánh liên tục nhắc lại từ “số 1” không biết bao nhiêu lần. Lồng ghép trong bài, cô dạy về đồ vật, màu sắc. Vì hầu như các em không thể nhận biết điều đó trước đây. Cả lớp, chưa có em nào có thể phát âm tròn chữ. Tạm chấp nhận với những âm thanh méo mó, cô tuyên dương các bạn như động lực giúp các bạn cố gắng nhiều hơn.

Trong suốt 10 năm đứng lớp, chẳng mấy khi cô được nghe một lời chúc mừng Ngày Nhà giáo từ học sinh của mình. Niềm vui của cô chính là nhìn thấy học sinh ngày càng tiến bộ. Thỉnh thoảng, nhận được cuộc gọi thăm hỏi sức khỏe từ học sinh cũ đủ làm cô ấm lòng. Cô cho biết: “Trước đây, mình dạy lớp khiếm thị, các em lớn, ra trường, có người có việc làm, có người lập gia đình, thỉnh thoảng vẫn gọi cho mình. Vui nhất vẫn là điều đó. Ngay từ đầu khi chọn nghề, mình đã biết sẽ có khó khăn, vất vả, nên cứ cố gắng mà làm. Cực nhưng vui!”.

10 năm công tác là 10 năm cô Khánh nỗ lực hết mình cho công việc. Dù là ở vị trí nào cô đều mày mò học tập từ sách vở, đồng nghiệp, đầu tư hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy, cô luôn nhận được sự tin cậy và yêu quý từ phía học sinh cũng như phụ huynh. Đó là những nhận xét mà cô Hà Thị Thanh Nhi - Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh dành cho cô Khánh.

2. Ở một góc xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, mỗi tối lại nhóm lên lớp học tình thương dành cho con em Việt kiều từ Campuchia trở về. Lớp học duy trì hơn 2 năm bởi người thầy “nghiệp dư” chưa từng qua một trường lớp sư phạm nào, người thầy ấy chỉ có tấm lòng yêu thương và mong mỏi làm điều gì đó để giúp đỡ những mảnh đời bé nhỏ nổi trôi. Đó là cô Võ Thị Thanh Tuyền.

Là tiểu thương buôn bán trong chợ Vĩnh Hưng, một dịp tình cờ, cô thấy 3 – 4 em là con em Việt kiều từ Campuchia trở về tập trung bán vé số gần đó. Hỏi thăm, cô biết không đứa nào biết chữ, đi bán từ sáng sớm đến chiều tối, mỗi đứa sẽ được người nhà cho vài chục ngàn đồng. Nỗi trăn trở dấy lên trong lòng, cô Tuyền quyết định mở lớp học tình thương cho những trẻ không được đến trường.

Mỗi ngày, cô Tuyền đi xe máy từ thị trấn Vĩnh Hưng đến xã Vĩnh Trị, mượn tạm hiên nhà dân kê vài chiếc bàn nhựa, ghế nhựa cho lớp học của mình. Những con chữ đầu tiên được gieo như thế. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà thờ Vĩnh Hưng và người dân trong khu vực, cô thuê được mảnh đất nhỏ, cất mái nhà tạm kê bàn ghế làm lớp học.

Cô Tuyền bắt đầu và duy trì lớp học của mình chỉ bằng một điều duy nhất: Tình thương. Để rồi từng lớp học trò đến và đi. Có em biết chữ và rời lớp, có em lập gia đình, nhưng may mắn thay, lớp học vẫn tồn tại vì khao khát biết chữ chưa bao giờ tắt trong những mầm non kia.

Có những ngày cô tưởng chừng như bỏ cuộc, khi những đứa trẻ chậm chạm, lại lười biếng sau một ngày làm việc. Cô nói: “Các em gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt những âm gần giống nhau như “ch” và “tr”. Một phần do sống ở nước bạn đã quen, một phần do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến khả năng tiếp thu bị hạn chế”. Lại có những khi cô đến lớp, chỉ vài em có mặt, số còn lại còn mãi lang thang bán thêm vài chục tờ vé số đâu tận ngoài chợ Vĩnh Hưng. Hết răn đe, giải thích cho các em, cô tìm đến gia đình từng em, nói chuyện với phụ huynh. Mưa dầm thấm lâu, những gì cô nói được phụ huynh tiếp nhận và sau này, họ chính là người đôn đốc, nhắc nhở con em mình đến lớp đúng giờ, học hành nghiêm túc.

Cô kể, vào đời sớm nên các em quen cách nói chuyện chửi thề, nói tục, bị cô nhắc nhở, rầy la, các em chuyển sang dùng tiếng Campuchia nhằm qua mặt cô giáo. Vậy là cô trò có một thỏa thuận với nhau, cô dạy em đọc viết, em dạy cô nói tiếng Khmer. Chỉ có như vậy mới có thể giúp cô gần gũi và uốn nắn học trò của mình.

Mong mỏi lớn nhất của cô cho đến thời điểm này không phải là một lời chức mừng cho Ngày Nhà giáo Việt Nam, mà chính là có một giáo viên có chuyên môn cùng cô đứng lớp như lời cô nói: “Như vậy sẽ tốt cho các em hơn rất nhiều. Vì dù cho chương trình của mình được kiểm tra, nhưng mình cũng chỉ là “tay ngang” là một người biết chữ đi dạy chữ mà thôi!”./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết